Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Phim tài liệu: Giấc mơ bay

Bộ phim thể hiện khát vọng chinh phục bầu trời của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Trong phim, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: “Bây giờ chúng ta có 5 không gian: vùng đất, vùng biển, vùng trời, không gian mạng và không gian vũ trụ. Khi chúng ta được làm chủ và hoàn toàn tự chủ về công nghệ thì chúng ta bảo vệ được an ninh quốc gia của chúng ta”.

Ước mơ chinh phục không gian, làm chủ vũ trụ, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường đang được Việt Nam hiện thực hóa từng phần bằng việc chế tạo thành công các vệ tinh cỡ nhỏ và xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học vũ trụ có khát vọng vươn lên…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, biểu dương các kỹ sư trẻ chế tạo vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào ngày 21/1/2019.

Lịch sử hình thành của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam phải kể từ khi Anh hùng Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên du hành trong vũ trụ vào năm 1980. Tới năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” trong đó có nội dung quan trọng là chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất “Made in Vietnam”.

Kể từ chuyến bay của Anh hùng Phạm Tuân vào vũ trụ– thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu của Trung tâm đã tiếp bước thực hiện “giấc mơ bay” của Việt Nam.

Năm 2007, Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để khởi động dự án vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Đây được coi là bước đi đầu tiên cho quá trình phát triển vệ tinh của Việt Nam.

Năm 2013, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Đây là vệ tinh “Made in Vietnam” đầu tiên hoạt động thành công trong quỹ đạo không gian.

Năm 2019, vệ tinh 50kg đầu tiên do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo – vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Việc phóng thành công vệ tinh MicroDragon đã cho thấy được đội ngũ chuyên gia của nước ta đã từng bước làm chủ công nghệ ở tất cả các khâu, từ phân tích yêu cầu của vệ tinh, thu thập các yêu cầu của ngành liên quan, đến thiết kế nhiệm vụ vệ tinh, yêu cầu linh kiện và lắp ráp, tích hợp để hoàn thành chức năng vệ tinh, chế tạo hệ thống mặt đất….

Theo lộ trình, tiếp theo vệ tinh NanoDragon – 4kg sẽ được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn tại Việt Nam và phóng lên vào năm 2021, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam, LOTUSat-1 – 570kg được thiết kế, chế tạo bởi tập đoàn NEC tại Nhật Bản, dự kiến được phóng vào năm 2023, sẽ đánh dấu Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ chế tạo, ứng dụng vệ tinh quan sát trái đất.

Xin mời quý vị đón xem bộ phim tài liệu “Giấc mơ bay” tại địa chỉ: https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv1-1.html

Chia sẻ

Tin liên quan