Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Phần 1: Thực hành chế tạo vệ tinh Micro Dragon

Phần 1: KHỞI NGUỒN Ý TƯỞNG

 

Vệ tinh Micro Dragon, những điều cần biết

Vệ tinh Micro Dragon có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng khoảng 50 kg, được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam dưới sự giám sát của các giáo sư Nhật Bản.

Vệ tinh Micro Dragon có nhiệm vụ:

– Quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.

– Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển

Thời gian hoạt động của vệ tinh Micro Dragon dự kiến là 1 năm.

 

Tiếp nối thành công của vệ tinh Picodragon[1] , Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (TTVTQG) đã hợp tác với các trường Đại học Nhật Bản triển khai dự án chế tạo vệ tinh Microdragon (2013-2017). Trong khuôn khổ của dự án, 36 kỹ sư của TTVTQG được cử đến 5 trường Đại học Nhật Bản[2] tham gia khóa học thạc sỹ, đồng thời, cùng tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệp 01 vệ tinh Micro dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.

 

Thông qua dự án mang tính đột phá này, các kỹ sư Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh Micro. Với mục tiêu kế thừa và bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, đây có thể coi là vệ tinh Micro đầu tiên do người Việt thực hiện.

[1] Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia với sự trợ giúp của một số đơn vị Nhật Bản trong thử nghiệm và phóng. Đây là vệ tinh “Made in Vietnam” đầu tiên hoạt động thành công trên quỹ đạo vào năm 2013. Vệ tinh PicoDragon đã phát các tín hiệu quảng bá cho Việt Nam và được thu bởi nhiều trạm thu nghiệp dư khác nhau trên thế giới.

[2] Đại học Tokyo, đại học Keio, đại học Tohoku, đại học Hokkaido và học viện kỹ thuật Kyushu

 

DuanVetinh_Vnsc

 

Trong lĩnh vực công nghệ đặc biệt là công nghệ cao như chế tạo vệ tinh đòi hỏi tính chính xác gần như tuyệt đối, mọi công đoạn đều phải được thực hiện hoàn hảo, ăn khớp, dù chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể đáng giá cả triệu đô la. Làm thế nào để rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần tập thể và ý chí bền bỉ cho các nghiên cứu viên trẻ luôn là mối tâm tư của Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc Gia trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cho TTVTQG. Năm 2011, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, anh đã tận mắt chứng kiến tinh thần bình tĩnh lạc quan đáng khâm phục của những người dân xứ hoa anh đào. Chính từ đó, Giám đốc TTVTQG đã quyết tâm xây dựng dự án thực hành chế tạo vệ tinh Micro Dragon nhằm tạo môi trường giúp các cán bộ của TTVTQG có điều kiện trui rèn kỹ năng sáng tạo độc lập cũng như khả năng làm việc kỷ luật giữa các nhóm có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Theo anh, bài học về sự đoàn kết, kiên cường trong xử lý, ứng phó của người dân Nhật Bản sau thảm họa mỗi cán bộ TTVTQG cần phải thuộc nằm lòng.

Với mong muốn ấy, TTVTQG đã xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với 5 trường Đại học của Nhật Bản trong suốt 3 năm liên tiếp cử các cán bộ của mình sang tiếp nhận đào tạo và chuyển giao công nghệ. Tâm sự với chúng tôi, các kỹ sư trẻ bày tỏ sự trân trọng và niềm tự hào là một trong những kỹ sư đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy về Công nghệ Vệ tinh tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, các bạn không quên nhắc nhở bản thân về trách nhiệm xây dựng nền công nghệ vệ tinh còn non trẻ của nước nhà.

mdg2

Khoảng cách 04 năm cho việc biến một ý tưởng trở thành dự án thực tế với 36 lượt kỹ sư đã được gửi sang Nhật Bản có thể nói là thần tốc minh chứng cho công sức, tâm huyết của biết bao người  với ngành khoa học công nghệ nước nhà nói chung và ngành công nghệ vệ tinh Việt Nam nói riêng.

 

Như lời bài hát “You Might Die Trying” có đoạn: “To change the world starts with one step. However small, the first step is hardest of all. Once you get your gate, you’ll be walking tall” (Thay đổi thế giới cũng cần có bước đầu tiên, dù đó luôn là bước khó khăn nhất nhưng khi ta thấy mục tiêu, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng). Tôi mong rằng sau những tháng ngày rèn luyện tại Nhật Bản, họ sẽ trở về, mang trong mình một phần tinh thần Nhật Bản để cùng lan tỏa, xây dựng ngành công nghệ vệ tinh Việt Nam – đoàn kết và sẻ chia.

 

Để hiểu rõ hơn về tinh thần “Lift-off your dream” như trong slogan của TTVTQG cũng như quá trình “du học” của các kỹ sư TTVTQG, xin xem tiếp phần 2 “Công nghệ Vệ tinh Việt Nam, con đường không trải hoa hồng”.

Thùy Linh

Chia sẻ