Từ ngày 30/5/2014, PROBA-V chính thức thay thế nhiệm vụ thu thập thông tin về thực vật trên toàn cầu từ SPOT-5 và trở thành vệ tinh nhỏ đầu tiên trên thế giới có khả năng này. Bianca Hoersch, Giám đốc Bộ phận Proba-V của ESA giải thích thêm: “Với kích thước dưới 1m3, cả vệ tinh này là đủ để đặt bên trong cảm biến thực vật thế hệ trước, vốn được đặt trong vệ tinh SPOT với kích thước bằng chiếc xe tải nhỏ.” Thế hệ cảm biến mới này đã được thiết kế lại để vừa với vệ tinh nhỏ của ESA trong khi vẫn giữ nguyên được góc quan sát rộng 2250km nhằm đảm bảo thu được thông tin thực vật trên toàn cầu với chu kỳ 2 ngày. Đồng thời, thiết kế mới cũng đã tăng độ phân giải một cách đáng kể, từ 1km lên 300m và tới 100m tại vệt quét trung tâm (central swath).
Trong một năm hoạt động đầu tiên, PROBA-V đã liên tục quan sát Trái đất và cung cấp dữ liệu theo dõi biến động thực vật, sản xuất sinh khối và năng suất nông nghiệp trên toàn cầu. PROBA – V đã góp phần hỗ trợ việc giám sát hàng ngày và lập bản đồ thảm thực vật trên toàn thế giới, từ đó, cung cấp thông tin cần thiết về năng suất cây trồng, hạn hán, sa mạc hóa, sự thay đổi của các loài thực vật, tình trạng phá rừng.
Kỷ niệm một năm đầu hoạt động của vệ tinh, trang web của PROBA-V đã công bố chùm mười hai ảnh về chu kỳ mùa ở châu Âu, mỗi ảnh là một tháng trong năm. Chùm ảnh cho thấy chu kỳ mùa từ khi châu Âu bị tuyết phủ một phần trong tháng 12 năm 2013 cho đến khi tuyết tan hoàn toàn và châu Âu được bao phủ hoàn toàn bởi thảm thực vật trong những tháng mùa hè và cuối cùng là tuyết mùa thu đầu tiên trong tháng 10 năm 2014.
Đội ngũ PROBA-V cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm có độ phân giải cao 1km và 300m trong năm 2015, và sẽ mở rộng bộ sản phẩm với dữ liệu 100 m trong quý đầu tiên của năm 2015.