Quỹ đạo dự kiến của vệ tinh thứ 5 và thứ 6 nằm trong chùm vệ tinh Galileo là quỹ đạo tròn, lệch 55 độ so với xích đạo tại độ cao 23.222km. Tuy nhiên, hai vệ tinh này đã bị lệch sang mặt phẳng quỹ đạo dài với điểm xa nhất và gần nhất cách bề mặt Trái đất lần lượt là 25.900km và 13.713km. Mặt phẳng quỹ đạo này bị lệch so với mặt phẳng quỹ đạo dự kiến khoảng 3000km.
Các đầu thu thử nghiệm Galileo đặt tại các địa điểm khác nhau ở châu Âu đã thu nhận được tín hiệu định vị từ không gian của vệ tinh FOC-FM1 truyền qua ba dải tần số Galileo (E5/E6/L1). Các chuyên gia cho biết tín hiệu có chất lượng tốt.
Ngày 13 tháng 3 năm 2015, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu công bố vệ tinh Galileo thứ 6 nằm trong chuỗi hệ thống vệ tinh định vị châu Âu cũng đã được điều chỉnh về quỹ đạo dự kiến nối tiếp thành công sau chiến dịch dẫn đường vệ tinh FOC-FM được thực hiện từ cuối tháng 11/2014 đối với vệ tinh Galileo thứ 5.
Hai vệ tinh Galileo thứ 5 và thứ 6 sau khi được điều chỉnh sẽ nằm trên hai mặt đối diện nhau, là hình ảnh phản chiếu của nhau qua Trái đất. Điều đáng chú ý của quỹ đạo hiệu chỉnh này là sau mỗi 20 ngày, hai vệ tinh sẽ bay qua cùng một vị trí trên mặt đất. Quỹ đạo này sẽ được so sánh với chu trình lặp lại chuẩn của các vệ tinh Galileo theo chu kỳ 10 ngày nhằm hỗ trợ việc đồng bộ hóa đường bay với các vệ tinh còn lại trong chùm vệ tinh.
Các kết quả kiểm tra vệ tinh Galileo thứ 5 đã được chứng minh tích cực và chiến dịch kiểm tra tương tự cũng sẽ được tiến hành đối với vệ tinh Galileo thứ 6 tại Trung tâm Redu của ESA tại Bỉ. Tuy nhiên, quyết định liệu có sử dụng hai vệ tinh này cho các mục đích định vị và tìm kiếm cứu nạn sẽ được xem xét sau dựa trên kết quả kiểm tra trên quỹ đạo và khả năng cung cấp dữ liệu định vị của hai vệ tinh này tại vị trí quỹ đạo mới được điều chỉnh.
Cặp vệ tinh thứ 7 và 8 của chùm vệ tinh Galileo đã được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 27/3/2015 tới vị trí cách quỹ đạo cuối cùng khoảng 300km. Hiện nay, hai vệ tinh này đang trong giai đoạn vận hành thử và đang trôi dần đến vị trí quỹ đạo cuối cùng, chuẩn bị bước vào giai đoạn kiểm tra chi tiết hoạt động trên quỹ đạo.
Lộc Linh, Thu Thủy