Trong 4 ngày từ 28/9 đến 1/10/2016, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra Hội Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội 2016 (Techmart Hà Nội 2016) do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND Thành phố Hà Nội đồng tổ chức, với mục đích đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hoá, dịch vụ, tôn vinh năng lực sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ nước nhà, đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các nước. Techmart Hà Nội 2016 là sự kiện quốc gia được các tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và doanh nghiệp trong cả nước đánh giá là một trong những hoạt động khoa học và công nghệ quan trọng trong năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô và cả nước.
Với vai trò đầu tàu trong nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCN VN) tham gia 20 gian hàng, trưng bày và giới thiệu sản phẩm nổi bật của Viện Hàn lâm KHCN VN cũng như các đơn vị trực thuộc năm 2016. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã tham gia đồng chủ trì nhiều hội thảo bên lề Techmart Hà Nội 2016.
Tại hội chợ lần này, Viện Hàn lâm KHCN VN thiết kế khu trưng bày trên diện tích 48m2 để trưng bày các sản phẩm nổi bật thuộc bốn khối:
- Khối Liên kết là những sản phẩm Y-Dược được chuyển giao từ đề tài nghiên cứu khoa học và thương mại hóa thành công nhờ liên kết với các đối tác doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối và tiếp thị;
- Khối Công nghệ cao bao gồm các sản phẩm công nghệ tiên tiến tiêu biểu;
- Khối Các công trình nghiên cứu cơ bản gồm các bài báo, các ấn phẩm, văn bằng sở hữu trí tuệ;
- Khối Các Viện nghiên cứu, đơn vị chuyển giao công nghệ của Viện Hàn lâm KHCNVN.
Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (TTVTQG) vinh dự có hai sản phẩm được giới thiệu tại khu trưng bày những sản phẩm tiêu biểu về công nghệ cao của Viện Hàn lâm KHCN VN là vệ tinh PicoDragon và hệ thống mô phỏng và thử nghiệm phân hệ xác định và điều khiển tư thế (ADCS simulator) cho vệ tinh nhỏ. Trong đó:
PicoDragon là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên quỹ đạo. Sự kiện phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon là 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2013 và dành Cup vàng Techmart 2014.
Hệ thống ADCS simulator là sản phẩm nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Hệ thống có chức năng giả lập môi trường vũ trụ bao gồm: môi trường không trọng lực – không ma sát, tạo lập từ trường quỹ đạo, giả lập bức xạ mặt trời trong điều kiện phòng thí nghiệm, phục vụ việc phát triển và thử nghiệm hệ thống xác định và điều khiển tư thế vệ tinh (ADCS). Nghiên cứu được hội đồng khoa học cấp nhà nước đánh giá đạt được bước tiến kĩ thuật ở tầm quốc tế, với độ chính xác điều khiển trọng tâm của hệ giả lập môi trường không trọng lực cỡ 1-2 micromet. Thành công của nghiên cứu đồng thời mở ra một loạt các hướng nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, sản phẩm của TTVTQG đón nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, các nhà Khoa học và chuyên gia kĩ thuật, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như đông đảo khách tham quan hội chợ.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành thăm khu trưng bày sản phẩm của Viện Hàn lâm KHCN VN
Đặc biệt, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN VN Châu Văn Minh đã dành thời gian trao đổi về các công trình nghiên cứu, dành những lời khen ngợi và động viên cho tập thể nghiên cứu của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCN VN tham quan Hệ thống ADCS simulator
Sự quan tâm của các Bộ, Ban ngành, các nhà Khoa học và cộng đồng là nguồn năng lượng to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ nghiên cứu của TTVTQG nỗ lực hơn nữa thực hiện những nghiên cứu trong tương lai nhằm từng bước thực hiện các nội dung đã đề ra trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006.
(Phan Hoài Thư, theo tin từ website của VAST)