Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Phần 3: PHÁT TRIỂN VỆ TINH VIỆT NAM TRÊN XỨ HOA ANH ĐÀO

Là du học sinh, chắc hẳn ai cũng hiểu chuyện “xa nhà” không chỉ có những trải nghiệm thú vị mà cùng với đó là muôn vàn khó khăn cần ở bạn một nghị lực lớn để vượt qua, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan đã giao phó.

Bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin, tinh thần “đồng tâm” là phương pháp mà các cán bộ trẻ của TTVTQG đã sử dụng để vượt qua những rào cản để lần đầu tiên Việt Nam có 11 thạc công nghệ vệ tinh.

“Va đập” trong những tháng ngày đầu tiên đặt chân đến nơi “đất khách quê người” không hề khiến các cán bộ trẻ của TTVTQG chùn bước mà trái lại,với sự thông minh và quyết tâm, họ đã tìm cách giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế, ngoài dự án thực hành thiết kế chế tạo vệ tinh Microdragon (dự án Microdragon) do TTVTQG giao, các bạn còn tích cực tham gia các dự án của trường nhằm nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giữa những nền văn hóa khác nhau.

Trong suốt quá trình 2 năm học tập và rèn luyện, các bạn đã không ngừng tìm tòi, học hỏi các kỹ năng về cách tổ chức một dự án vệ tinh, cách làm việc theo nhóm, cách tổ chức phân bổ công việc cá nhân, hoàn thành các chứng chỉ quốc tế về quản lý dự án vệ tinh và hàng loạt bài báo được công bố tại các hội nghị quốc tế. Với mục tiêu cải thiện kỹ năng, kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tế về thiết kế và thử nghiệm vệ tinh nhằm phục vụ dự án MicroDragon, các bạn đã không quản ngại vất vả chủ động tham gia thêm các dự án tại các phòng thí nghiệm của trường cùng các giáo sư Nhật Bản.

mdg

Kế hoạch phát triển vệ tinh MicroDragon

Đối với dự án MicroDragon, ở giai đoạn đầu tiên, 11 thạc sỹ đã hoàn thành việc xây dựng nhiệm vụ “Quan sát để đánh giá chất lượng nước biển, phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản ven bờ Việt Nam” cho vệ tinh cùng một số nhiệm vụ khác với đầy đủ các phân tích và đánh giá khả thi. Đồng thời đưa ra thiết kế sơ bộ của cả hệ thống vệ tinh bao gồm thiết kế sơ bộ khối payload, các phân hệ cấu trúc, nhiệt, xác định và điều khiển tư thế, điện, truyền thông, xử lý lệnh và dữ liệu. Xây dựng được bộ yêu cầu kĩ thuật hệ thống tới cấp phân hệ, thiết kế sơ bộ giao diện phần cứng và phần mềm trong hệ thống. Lên được quy trình phát triển hệ thống với thiết kế ý tưởng cho từng mô hình (mô hình cấu trúc nhiệt, mô hình kĩ thuật, mô hình bay…). Theo kế hoạch, các khóa sau sẽ tiếp tục phát triển mô hình kỹ thuật (EM), hoàn thành thiết kế chi tiết của vệ tinh, hoàn thành việc xây dựng mô hình bay FM, hoàn tất việc chế tạo vệ tinh MicroDragon.

Có thể nói, với lòng quyết tâm và nghị lực các cán bộ trẻ của TTVTQG đã hóa giải được mọi trở ngại khó khăn trong giai đoạn đầu chinh phục ngành công nghệ vệ tinh. Dù vẫn còn quá sớm để nói về Thành Công nhưng chúng tôi luôn tin với sự cố gắng với ý chí và bản lĩnh và tinh thần dân tộc Việt, với từng bước đi nhỏ nhưng chắc chắn, ngành công nghệ vệ tinh Việt Nam sẽ làm nên điều kỳ diệu.

Ở phần 4 của loạt bài giới thiệu về dự án MicroDragon, chúng ta sẽ lắng nghe chia sẻ của nữ chiến binh đầu tiên của ngành công nghệ Vệ tinh Việt Nam để hiểu rõ hơn những nỗ lực của cô gái này cũng như của tập thể cán bộ trẻ của TTVTQG trên con đường xây dựng ngành công nghệ Vệ tinh non trẻ của nước nhà.

Thùy Linh

Chia sẻ