Hoạt động

Hội nghị tiền đấu thầu Gói thầu MS2-DATP3 “Vệ tinh I, Thiết bị I và Đào tạo nhân lực” (Package 1 “Satellite I, Equipment I, Capacity Development)

Ngày 10/8/2016, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã tổ chức Hội nghị tiền đấu thầu gói thầu MS2-DATP3 “Vệ tinh I, Thiết bị I và Đào tạo nhân lực” (Package 1 “Satellite I, Equipment I, Capacity Development”) của Dự án thành phần 3 “Vệ tinh I, Thiết bị I và Đào tạo nhân lực” thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Tham dự Hội nghị tiền đấu thầu có đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, đại diện Nhóm chuyên gia hỗ trợ dự án từ Nhà tài trợ JICA (SAPMAN), đại diện Tư vấn đấu thầu, các Nhà thầu cùng các thành viên Ban quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

IMG 7991

Nhà thầu tham dự Hội nghị tiền đấu thầu

Đúng 10 giờ 00 phút, Đại diện chủ đầu tư, ông Vũ Việt Phương – Phó Giám đốc đã tuyên bố khai mạc Hội nghị tiền đấu thầu gói thầu MS2-DATP3 “Vệ tinh I, Thiết bị I và Đào tạo nhân lực” (Package 1 “Satellite I, Equipment I, Capacity Development”).

IMG 7997

Ông Vũ Việt Phương tuyên bố khai mạc Hội nghị tiền đấu thầu

Hội nghị được diễn ra một cách nghiêm túc, tập trung vào giải đáp, làm rõ các câu hỏi, vướng mắc của Nhà thầu về các nội dung của Hồ sơ mời thầu. 

IMG 7999

Không khí nghiêm túc tại hội nghị

Toàn bộ các nội dung giải đáp sẽ được Chủ đầu tư lập thành văn bản gửi đến các Nhà thầu tham gia mua Hồ sơ mời thầu.

Kết thúc buổi lễ, ông Vũ Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia gửi lời cảm ơn sự quan tâm và tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức và Nhà thầu.

Đúng 12 giờ 00 phút,  Hội nghị kết thúc tốt đẹp.

Tạ Khánh Huyền

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cử cán bộ đi đào tạo Thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản theo Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Chiều ngày 03/09/2015, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (TTVTQG), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức lễ chia tay cho 13 cán bộ đi đào tạo Thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại 5 trường đại học Nhật Bản (Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu) theo Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Tham dự buổi lễ gồm có sự tham gia đầy đủ của toàn thể ban lãnh đạo, đại diện cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Ban QLDA Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và đại diện gia đình cán bộ đi học. Những cán bộ đi học đợt này thuộc khoá 3 trong Chương trình đào tạo nhân lực vệ tinh cơ bản của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Một số hình ảnh của buổi lễ chia tay:

P1

Giám đốc Trung tâm trao quyết định cử đi học cho các cán bộ

P2

 

Các cán bộ chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình

Buổi lễ chia tay diễn ra tốt đẹp trong không khí xúc động, Ban lãnh đạo Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã căn dặn và gửi lời chúc 13 cán bộ trẻ của Trung tâm sẽ có hai năm nghiên cứu học tập thật hiệu quả tại Nhật Bản để khi trở về có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp nghiên cứu phát triển Công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng toàn thể các bác, các anh chị đại diện gia đình các cán bộ trẻ đã và sẽ luôn ủng hộ, hỗ trợ tích cực cho Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thực hiện thành công của Dự án Trung tâm Vũ trụ VN và nhiệm vụ hỗ trợ phát triển đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

Theo kế hoạch đào tạo nhân lực trong chương trình, TTVTQG đã cử 35 cán bộ trẻ sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ về Công nghệ Vũ trụ theo các lĩnh vực điều khiển quỹ đạo, điều khiển tư thế, cấu trúc, nhiệt, lệnh và thu thập xử lý dữ liệu, cung cấp nguồn, hệ thống đẩy, phần mềm và lắp ráp tên lửa phóng. Chương trình chia thành 3 khóa học: 2013-2015, 2014-2016, 2015-2017. Mục đích của chương trình là đào tạo thạc sĩ công nghệ vũ trụ một cách toàn diện thông qua việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh. Hiện nay đã có 22 cán bộ của Trung tâm đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học nêu trên, với đoàn khóa 3 sẽ nâng tổng số cán bộ đi học tại Nhật Bản theo Dự án hiện nay là 35 người. 

Nội dung của các khóa học về lý thuyết sẽ theo chương trình chuẩn Thạc sĩ ngành Công nghệ vũ trụ của các trường Đại học và Học viện có ngành công nghệ vũ trụ mạnh của Nhật Bản. Về phần thực hành sẽ tuân theo chương trình riêng cho khóa học: Thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm 01 vệ tinh micro 50kg.

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ngành công nghệ vũ trụ là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, có thể tóm tắt theo các bước sau:

Bước 1: Vệ tinh cơ bản - Kiến thức cơ bản về công nghệ vũ trụ & Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh micro. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh micro từ các trường Đại học của Nhật Bản

Bước 2: Vệ tinh nâng cao - tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại các cơ sở chế tạo vệ tinh ở Nhật Bản. Thiết kế, xây dựng quy trình sản xuất, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-1 tại Nhật Bản

Bước 3: Lắp ráp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-2 tại Việt Nam

Nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ vũ trụ nói riêng. Việc đầu tư phát triển công nghệ bền vững gắn với phát triển nguồn nhân lực. Do đó, đào tạo nhân lực phục vụ chế tạo vệ tinh nhỏ và ứng dụng công nghệ vũ trụ là một phần quan trọng của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Để đáp ứng mục tiêu đủ nguồn nhân lực có trình độ cho việc chế tạo, thử nghiệm và điều hành hai vệ tinh, TTVTQG đã đặt ra kế hoạch phải tuyển và đào tạo ít nhất 70 kỹ sư năm 2015, khoảng 150 kỹ sư vào năm 2020 và khoảng 300 kĩ sư vào năm 2030. Mục tiêu của dự án chú trọng đào tạo nhân lực từ cơ bản đến nâng cao đảm bảo khả năng tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh Made in Vietnam nhằm đáp

ứng nhu cầu nhân lực Công nghệ Vũ trụ Việt Nam trong tương lai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản - JAXA và Trung tâm Vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 08 đến ngày 12/10/2014.

Tháp tùng đoàn Phó Thủ tướng có GS.TS. Châu Văn Minh – Ủy viên Trung Ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS. Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nhân dịp này Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Trung tâm Vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản và chứng kiến Lễ ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản.

Sáng ngày 10/10, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quan tâm chỉ đạo để Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và phóng vệ tinh quan sát trái đất, phục vụ cảnh báo thiên tai và biến đổi khí hậu cho Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ như đã thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

Buổi chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thăm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Trung tâm Vũ trụ Tsukuba thuộc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch Naoki Okumura và lãnh đạo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chuyến thăm Nhật Bản của đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam nhằm trao đổi với chính giới Nhật Bản về phương hướng lớn, các biện pháp để làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, Hàng không và Vũ trụ…

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) từ năm 2006 đến nay trong phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng vũ trụ qua các công việc cụ thể như: đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ và vệ tinh nhỏ, hợp tác trong các dự án ứng dụng ảnh vệ tinh để phục vụ phát triển bền vững, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho VAST thực hiện một số thử nghiệm khoa học tại Phòng thí nghiệm KIBO của Trạm Vũ trụ Quốc tế, phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn các Cơ quan Hàng không Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 15 (APFSAF-15) và lần thứ 20 (APRSAF-20) vào năm 2008 và 2013 tại Hà Nội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cảm ơn JAXA năm 2013 đã hỗ trợ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia phóng thành công vệ tinh PicoDragon – vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam chế tạo và hoạt động thành công trong vũ trụ. Sự hợp tác đang được thực  hiện giữa hai cơ quan thực sự có ý nghĩa to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghệ vũ trụ đang rất mới mẻ tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam  trên các lĩnh vực được thống nhất giữa hai bên, nhất là chia sẻ kinh nghiệm phát triển vệ tinh; hỗ trợ phóng vệ tinh Việt Nam; giúp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và kỹ năng quản lý Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

TS. Naoki Okumura  khẳng định mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai cơ quan, đặc biệt là chuyến thăm chính thức tới Trung tâm Vũ trụ JAXA Tsukuba của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng cho thấy rõ cam kết đó.

Hai bên nhất trí xem xét và đánh giá những tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong Ứng dụng và phát triển không gian đã được ký kết giữa VAST và JAXA từ năm 2006 đến nay và thống nhất ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản.

Theo đó, các bên cùng nhau cụ thể hóa những tiềm năng hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực: Vệ tinh viễn thám và các ứng dụng; Phát triển vệ tinh nhỏ và các ứng dụng; Nghiên cứu chung hướng tới việc sử dụng module thử nghiệm của Nhật Bản (KIBO); Xây dựng nâng cao năng lực; Ứng dụng của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu.

1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam  và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn)

2

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phòng thử nghiệm Vũ trụ KIBO của Nhật Bản tại Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản (nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/)

 

Tại lễ tiếp đón đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam thăm Trung tâm Vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản, đoàn 12 cán bộ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang học tập tại trường đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản theo chương trình đào tạo Thạc sỹ Công nghệ Vũ trụ thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã vinh dự được đến tham dự lễ đón và tặng hoa Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt tập thể cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Ths Ngô Thị Hoài đã bày tỏ niềm vinh hạnh khi được gặp gỡ và đón tiếp Phó Thủ tướng cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tới thăm và làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Tsukuba. Đây là vinh dự và động lực tinh thần rất lớn để các cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia nói chung và các cán bộ đang học tập tại Nhật Bản không ngừng phấn đấu làm việc, học tập và rèn luyện.

 

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổng hợp

 

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có tổng mức đầu tư 54 tỉ yên từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ đã khởi công xây dựng tháng 9/2012 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Hà Nội. Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam  là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện dự án.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đảm trách những nhiệm vụ: Làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ VN trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada hiện đại; Xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; Dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dự án được đầu tư đồng bộ thành 3 phần: Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực. Với phần hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, dự án sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ; trạm thu nhận tín hiệu vệ tinh; trung tâm nghiên cứu và triển khai; trung tâm giáo dục và đào tạo; khu điều hành, bảo tàng vũ trụ, đài thiên văn. Phần tiếp nhận chuyển giao công nghệ sẽ tiếp nhận và tự chế tạo 2 vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với công nghệ rađa hiện đại có độ phân giải cao, ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh. Tiếp đó, khoảng 350 nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ sẽ được đào tạo tại hợp phần thứ ba của dự án.

Là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của đất nước, “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược và kế hoạch phát triển Công nghệ Vũ trụ của Việt Nam nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNVT, đưa CNVT phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

 

 

Thúc đẩy hoạt động truyền thông về Công nghệ Vũ trụ tại Việt Nam

Ngày 10 tháng 9, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) đã phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Tổng quan về Công nghệ vệ tinh và Ứng dụng”.  Đây là một trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy hiệu quả truyền thông về Công nghệ Vệ tinh nói riêng và Công nghệ Vũ trụ nói chung tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã giới thiệu về những kết quả nổi bật của Trung tâm trong thời gian qua. Từ khi thành lập từ năm 2011 đến nay Trung tâm đã có ngày càng kiện toàn và phát triển với đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học ngày càng đông đảo, trong đó công tác đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu Công nghệ vệ tinh rất được chú trọng. Đến nay,  ngoài việc tập hợp đội ngũ nhân lực chuyên về Công nghệ vệ tinh, viễn thám từ nhiều đơn vị trên cả nước về làm việc, Trung tâm đã cử nhiều cán bộ tham gia công tác học tập và nghiên cứu tại nhiều quốc gia có nền Công nghệ vệ tinh phát triển như Nhật Bản, Mỹ… Tổng số cán bộ làm việc tại Trung tâm hiện nay là 94 người trong đó đã có 26 thạc sĩ và 6 tiến sĩ. Năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia với việc thành lập Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vệ tinh miền Nam và việc xúc tiến chuẩn bị xây dựng Đài thiên văn Nha Trang. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng cho việc hoàn thành Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào năm 2020.

Bên cạnh việc đó, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động Ứng dụng Công nghệ Vệ tinh trong đó chú trọng vào ứng dụng viễn thám. Tại Việt Nam, hoạt động ứng dụng viễn thám sẽ nhắm tới các lợi ích cộng đồng; xây dựng các ứng dụng liên tục, quy mô lớn; chủ động về công nghệ và nguồn dữ liệu và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Chia sẻ về lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Việt Nam”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết, sau thành công trong việc chế tạo và lắp ráp vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon với trọng lượng 1kg,  Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang hướng tới các vệ tinh có trọng lượng lớn hơn, cụ thể: năm 2016 là vệ tinh Nano Dragon 10kg, năm 2018 là vệ tinh Micro Dragon 50kg, năm 2020 là vệ tinh LOTUSat. 

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và hơn 40 nhà báo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã cùng trao đổi về kiến thức về lịch sử phát triển Công nghệ Vệ tinh trên thế giới và những vấn đề đặt ra cho hoạt động Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ tại Việt Nam. Thông qua hoạt động này, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia mong muốn các nhà báo sẽ trở thành cầu nối để đưa thông tin và tri thức về Công nghệ Vũ trụ, đặc biệt là Công nghệ Vệ tinh – một lĩnh vực khoa học mới mẻ tại Việt Nam đến được gần hơn với công chúng, góp phần thúc đẩy đam mê đối với Khoa học và Công nghệ Vũ trụ nói riêng và Khoa học Công nghệ nói chung tại Việt Nam./.

Hương Hạnh tổng hợp

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cử cán bộ đi đào tạo Thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản khóa 2 (2014 – 2016) theo Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Chiều ngày 04/9/2014, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) tổ chức lễ chia tay 11 cán bộ đi đào tạo Thạc sĩ Công nghệ vũ trụ tại 05 trường đại học Nhật Bản (Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Viện Công nghệ Kyushu). Tham dự buổi lễ gồm toàn thể lãnh đạo, đại diện cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Ban QLDA Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và đại diện gia đình các cán bộ đi học. 

Những cán bộ đi học lần này thuộc khóa học thứ 2 trong Chương trình đào tạo nhân lực thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Theo kế hoạch đào tạo nhân lực trong chương trình, VNSC sẽ cử 36 cán bộ trẻ sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ về Công nghệ Vũ trụ theo các lĩnh vực điều khiển quỹ đạo, điều khiển tư thế, cấu trúc, nhiệt, truyền thông, lệnh và thu thập xử lý dữ liệu, cung cấp nguồn, hệ thống đẩy, phần mềm và lắp ráp tên lửa phóng. Chương trình chia thành 3 khóa học: 2013-2015, 2014-2016, 2015-2017. Mục đích của chương trình là đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ một cách toàn diện thông qua việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm 01 vệ tinh Micro. Hiện nay đã có 11 cán bộ của Trung tâm đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học nêu trên, với đoàn khóa 2 sẽ nâng tổng số cán bộ đi học tại Nhật Bản theo Dự án hiện nay là 22 người. 

Nội dung của các khóa học về lý thuyết sẽ theo chương trình chuẩn Thạc sĩ ngành Công nghệ vũ trụ của các trường Đại học và Học viện có ngành công nghệ vũ trụ mạnh của Nhật Bản. Về phần thực hành sẽ tuân theo chương trình riêng cho khóa học: Thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm 01 vệ tinh micro 50kg.

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ngành công nghệ vũ trụ là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, có thể tóm tắt theo các bước sau:

Bước 1: Vệ tinh cơ bản - Kiến thức cơ bản về công nghệ vũ trụ & Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh micro. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh micro từ các trường Đại học của Nhật Bản

Bước 2: Vệ tinh nâng cao - tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại các cơ sở chế tạo vệ tinh ở Nhật Bản. Thiết kế, xây dựng quy trình sản xuất, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-1 tại Nhật Bản

Bước 3: Lắp ráp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-2 tại Việt Nam

Nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ vũ trụ nói riêng. Việc đầu tư phát triển công nghệ bền vững gắn với phát triển nguồn nhân lực. Do đó, đào tạo nhân lực phục vụ chế tạo vệ tinh nhỏ và ứng dụng công nghệ vũ trụ là một phần quan trọng của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Để đáp ứng mục tiêu đủ nguồn nhân lực có trình độ cho việc chế tạo, thử nghiệm và điều hành hai vệ tinh, VNSC đã đặt ra kế hoạch phải tuyển và đào tạo ít nhất 70 kỹ sư năm 2015, khoảng 150 kỹ sư vào năm 2020 và khoảng 300 kĩ sư vào năm 2030. Mục tiêu của dự án chú trọng đào tạo nhân lực từ cơ bản đến nâng cao đảm bảo khả năng tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh Made in Vietnam nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực CNVT Việt Nam trong tương lai

Một số hình ảnh của buổi lễ chia tay.

vnsc

Giám đốc Trung tâm trao Quyết định cử đi học cho các cán bộ

vnsc2

 

Các cán bộ được cử đi học cùng đại diện gia đình chụp ảnh lưu niệm

Hoàng Anh- Diệu Hương tổng hợp

Ban quản lý dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC)
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)
Trụ sở chính: Tòa nhà VNSC (A6), số 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Điện thoại: 024-37917675.
Fax: 024-37627205.
Email: info@vnsc.org.vn
Bản quyền © vnsc.org.vn. Giữ toàn quyền.
Ghi rõ nguồn "vnsc.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.