Thúc đẩy hoạt động truyền thông về Công nghệ Vũ trụ tại Việt Nam
Ngày 10 tháng 9, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) đã phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Tổng quan về Công nghệ vệ tinh và Ứng dụng”. Đây là một trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy hiệu quả truyền thông về Công nghệ Vệ tinh nói riêng và Công nghệ Vũ trụ nói chung tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã giới thiệu về những kết quả nổi bật của Trung tâm trong thời gian qua. Từ khi thành lập từ năm 2011 đến nay Trung tâm đã có ngày càng kiện toàn và phát triển với đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học ngày càng đông đảo, trong đó công tác đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu Công nghệ vệ tinh rất được chú trọng. Đến nay, ngoài việc tập hợp đội ngũ nhân lực chuyên về Công nghệ vệ tinh, viễn thám từ nhiều đơn vị trên cả nước về làm việc, Trung tâm đã cử nhiều cán bộ tham gia công tác học tập và nghiên cứu tại nhiều quốc gia có nền Công nghệ vệ tinh phát triển như Nhật Bản, Mỹ… Tổng số cán bộ làm việc tại Trung tâm hiện nay là 94 người trong đó đã có 26 thạc sĩ và 6 tiến sĩ. Năm 2014 có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia với việc thành lập Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vệ tinh miền Nam và việc xúc tiến chuẩn bị xây dựng Đài thiên văn Nha Trang. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng cho việc hoàn thành Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào năm 2020.
Bên cạnh việc đó, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động Ứng dụng Công nghệ Vệ tinh trong đó chú trọng vào ứng dụng viễn thám. Tại Việt Nam, hoạt động ứng dụng viễn thám sẽ nhắm tới các lợi ích cộng đồng; xây dựng các ứng dụng liên tục, quy mô lớn; chủ động về công nghệ và nguồn dữ liệu và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Chia sẻ về lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Việt Nam”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết, sau thành công trong việc chế tạo và lắp ráp vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon với trọng lượng 1kg, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang hướng tới các vệ tinh có trọng lượng lớn hơn, cụ thể: năm 2016 là vệ tinh Nano Dragon 10kg, năm 2018 là vệ tinh Micro Dragon 50kg, năm 2020 là vệ tinh LOTUSat.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và hơn 40 nhà báo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã cùng trao đổi về kiến thức về lịch sử phát triển Công nghệ Vệ tinh trên thế giới và những vấn đề đặt ra cho hoạt động Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ tại Việt Nam. Thông qua hoạt động này, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia mong muốn các nhà báo sẽ trở thành cầu nối để đưa thông tin và tri thức về Công nghệ Vũ trụ, đặc biệt là Công nghệ Vệ tinh – một lĩnh vực khoa học mới mẻ tại Việt Nam đến được gần hơn với công chúng, góp phần thúc đẩy đam mê đối với Khoa học và Công nghệ Vũ trụ nói riêng và Khoa học Công nghệ nói chung tại Việt Nam./.
Hương Hạnh tổng hợp