Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Xây dựng ứng dụng hỗ trợ quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu

Cùng với cách mạng 4.0, chuyển đổi số là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2019. Chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam và được đánh giá là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số của một quốc gia, cũng như hướng tới phát triển Chính phủ điện tử một cách bền vững. Trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số diễn ra trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có ngành Nông nghiệp với trên 60% dân số đang hoạt động trong lĩnh vực này. Thủy lợi – khai thác tài nguyên nước là vấn đề mấu chốt trong ngành nông nghiệp, giữ vai trò quyết định trong thành công của ngành vì vậy việc chuyển đổi số trong công tác quản lý các công trình thủy lợi là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, Bến Tre có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, với bốn cửa sông chảy ra biển và có hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh; tuy nhiên công tác lưu trữ thông tin công trình thủy lợi, trạng thái vận hành cũng như số liệu thủy văn vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chủ yếu lưu trữ bằng giấy tờ hoặc các tập tin số theo phương thức truyền thống vì vậy đã gây khó khăn trong công tác quản lý, ra quyết định vận hành và cập nhật, chia sẻ thông tin đến các đơn vị có liên quan và người dân trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước phong phú phục vụ cho ngành nông nghiệp nói riêng và nền KTXH nói chung. Chính vì vậy, trong khuôn khổ hợp tác KHCN giữa Viện Hàn Lâm KHCNVN và UBND tỉnh Bến tre đã cho phép Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện đề tại hợp tác “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu” do TS. Trần Thái Bình – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam làm chủ nhiệm thực hiện trong 2 năm, từ tháng 6/2018 – 6/2020.

Hệ thống thông tin thủy lợi tỉnh Bến Tre được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ WebGIS với giao diện và chức năng thân thiện với người sử dụng. Các thông tin được thể hiện một cách trực quan và thấy được mối quan hệ đa chiều của thông tin thông qua các “biểu đồ – bản đồ tương tác đa thời gian”. Với khả năng liên kết giữa dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian cùng với sự linh hoạt trong khai thác và ứng dụng, công cụ quản lý hệ thống thủy lợi tích hợp GIS trên nền tảng công nghệ WebGIS đã được nhiều nước sử dụng và mang lại những hiệu quả tích cực.

Kết quả đề tài đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ lĩnh vực thủy lợi và quản lý, khai thác trên nền tảng WebGIS. Việc xây dựng ứng dụng thu thập dữ liệu hiện trường trên thiết bị di động nhằm cập nhật theo thời gian thực cho hệ thống là tiện ích đang được hướng đến của toàn ngành. Với tính thân tiện, dễ sử dụng nên hệ thống được sử dụng rộng rãi tại địa phương, phục vụ nhu cầu cấp thiết của các các bộ trong việc quản lý lưu trữ dữ liệu thủy lợi.

Hệ thống có thể được triển khai diện rộng cho các tỉnh trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nêu rõ “các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần lập bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn và nơi cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng”.

Hỗ trợ xem chi tiết thông tin của các công trình thủy lợi

Hỗ trợ phân vùng mặn trên sông giữa các trạm quan trắc theo thời gian

Đề tài đã công bố 1 bài báo quốc tế “A WebGIS Solution for Estimation Landuse Affected by Salinity Intrusion: Case Study in Ben Tre Province, Vietnam” trên tạp chí “Journal of Geographic Information System”, https://www.scirp.org/journal/jgis 2020, 12, 188-201 và đào tạo 01 Thạc sĩ với đề tài luận văn cùng hướng nghiên cứu.

Đề tài đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm xếp loại “Xuất sắc”.

Nguồn tin: TS. Trần Thái Bình, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Xử lý tin: Mai Lan

Chia sẻ