Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019

Nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất (Committee on Earth Observation Satellites – CEOS) và nhận nhiệm vụ luân phiên thực hiện trách nhiệm chủ tịch CEOS, thúc đẩy sự đa dạng vai trò lãnh đạo, của các thành viên đến từ các vùng địa lý lớn như Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á/Thái Bình Dương; Ngày 18/10/2018 tại Brussels (Bỉ), PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – đã đại diện cho Việt Nam đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 – CEOS Chair 2019

Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái đất (CEOS) được thành lập vào năm 1984, là cơ quan đầu mối phối hợp các hoạt động quốc tế liên quan đến không gian và quan trắc Trái đất. CEOS khuyến khích tương tác, hỗ trợ và bổ sung giữa các hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất thông qua việc phối hợp lập kế hoạch, thúc đẩy truy cập dữ liệu không phân biệt đối xử, thiết lập tiêu chuẩn dữ liệu, và phát triển dữ liệu tương thích với các sản phẩm, dịch vụ, và ứng dụng.

Các thành viên CEOS 2019 chụp ảnh lưu niệm tại Brussels (Bỉ)

Hiện CEOS có 32 thành viên gồm các tổ chức như: Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Châu Âu (ESA), Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Pháp (CNES), Cơ quan Vũ Trụ Anh (UKSA); Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (ROSKOSMOS); Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Ủy ban không gian Châu Âu (EC), Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Liên bang Úc (CSIRO), .v.v. và 28 đối tác phối hợp.

Từ năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của CEOS và giao Trung tâm Vũ trụ Việt Nam làm đầu mối liên hệ.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đại diện cho Việt Nam đón nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 .

Đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất năm 2019, Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: Giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối chiến lược các nhiệm vụ hiện tại và tương lai của các cơ quan thành viên CEOS, tiếp tục hỗ trợ Nhóm quan sát Trái đất (Group on Earth Observations – GEO); Phối hợp với Chủ tịch Nhóm thực hiện chiến lược (SIT) và Ban Thư ký (SEC) để xây dựng, kết nối và mở rộng thành viên cũng như thu hút các đóng góp vào các hoạt động quan sát Trái đất của CEOS; điều phối các hoạt động hỗ trợ như: GEO, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai, Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, Hệ thống quan sát khí hậu, đại dương và mặt đất trên toàn cầu, Nhóm các quốc gia phát triển G8/ G20 v.v.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, trong năm 2019, Việt Nam khi đảm nhận vị trí chủ tịch sẽ đưa ra 02 sáng kiến chính là: 1) Quan sát các-bon, bao gồm các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái đất để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả và 2) Các Quan sát phục vụ Nông nghiệp cụ thể là giám sát lúa. Các ứng dụng này rất thiết thực trong việc đánh giá phát triển nông nghiệp của Việt Nam và sẽ được mở rộng tại các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 32, hai sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ từ các tổ chức thành viên CEOS trong việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh; đào tạo nguồn nhân lực; cơ hội tham gia các dự án và các đề tài tiềm năng…

Phiên họp toàn thể CEOS năm 2019 với các tổ chức Quốc tế tham gia do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ta tại Hà Nội từ ngày 14 – 16/10/2019./.

Thông tin thêm về 2 sáng kiến Việt Nam đề xuất:

  1. Quan sát các-bon, bao gồm các vùng che phủ bởi rừng: phối hợp dữ liệu quan sát trái đất để hỗ trợ giám sát và quản lý tài nguyên rừng trong khu vực một cách hiệu quả, thông qua Nhóm Đặc biệt (Ad Hoc Team) về Phối hợp Dữ liệu Không gian (Space Data Coordination Group – SDCG) dành cho Sáng kiến Quan sát Rừng Toàn cầu (Global Forest Observation Initiative – GFOI), hỗ trợ việc phát triển các hệ thống giám sát và đo đạc, báo cáo và kiếm chứng (MRV) rừng quốc gia. Tại các quốc gia trong khu vực (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia, Myanmar) với tốc độ biến đổi diện tích rừng nhanh do cải tạo thành đất nông nghiệp, do trồng các đồn điền công nghiệp, và do các chương trình trồng lại rừng, nhu cầu phát triển hệ thống giám sát thời gian thực với đánh giá đặc thù các nhu cầu của người dùng là cần thiết. Cụ thể, hệ thống Datacube tại VNSC (Vietnam DataCube), với sự hợp tác của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI), sẽ được sử dụng để mô phỏng quá trình tiến tới đánh giá trữ lượng Các-bon rừng để hỗ trợ việc báo cáo của Công ước Khung của Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu và có thể được mở rộng ra các vùng nhiệt đới khác. Điều này sẽ được thực hiện cùng với sự phối hợp của các đối tác CEOS tham gia Sáng kiến Quan sát Rừng Toàn cầu.
  1. Các Quan sát phục vụ Nông nghiệp: song song với Nhóm Làm việc Đặc biệt cho Nhóm Quan sát Trái đất phục vụ Giám sát Nông nghệp Toàn cầu (Group on Earth Observations Global Agricultural Monitoring – GEOGLAM), và trong khuôn khổ GEOGLAM Lúa-Châu Á (Asia-Rice) mạng lưới khu vực, trọng tâm chính của sáng kiến tập trung vào việc sử dụng thực tế các dữ liệu CEOS, đặc biệt dữ liệu radar khẩu độ tổng hợp (SAR) trong việc giám sát lúa tại Châu Á. Trong hội thảo Vietnam DataCube (VDC) vào hồi tháng Ba năm 2018, hệ thống giám sát lúa đã được mô phỏng dưới sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Sinh quyển từ Không gian (CESBIO) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES). Sự kiện này cũng phù hợp với kế hoạch làm việc kỳ 2018-2020 của CEOS, mục Agri-8. VNSC sẽ theo đuổi các hoạt động giám sát lúa tại Việt Nam. Là một cơ quan thành viên của CEOS, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã mở rộng dự án GEORICE để mô phỏng rộng rãi các hoạt động giám sát tại 5 quốc gia trong khu vực (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia, Myanmar). Với các ứng dụng cụ thể này, các Trang web Mô phỏng Kỹ thuật của Asia-Rice (ví dụ mô phỏng đồng bằng sông Hồng và sông Mekong) sẽ tham gia vào mạng lưới Thí nghiệm Chung về Đánh giá và Giám sát Mùa màng (JECAM).
Chia sẻ