Vào ngày 12 và ngày 14/6/2024 vừa qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Quan sát trái đất và không gian thuộc Viện Khí tượng Phần Lan tổ chức Hội thảo “Mở rộng hoạt động thu hút người dùng dữ liệu chương trình Copernicus tại Việt Nam” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo có các đại biểu quốc tế đến từ Viện Khí tượng Phần Lan, Văn phòng hỗ trợ không gian Châu Âu, Cơ quan Môi trường Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu chung – Ủy ban Châu Âu và đại biểu trong nước đến từ các trường, viện nghiên cứu, các sở ban ngành và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thám.
Tại Hội thảo các báo cáo viên trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng dữ liệu chương trình Copernicus trong các lĩnh vực khác nhau như: giám sát rừng, giám sát lúa, giám sát thiên tai, dịch vụ hàng hải, dịch vụ quản lý đất đai, Không gian xanh đô thị, giám sát đốt rơm và ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó Hội thảo cũng dành một phần lớn thời gian để các đại biểu quốc tế và trong nước trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là bàn thảo về các kế hoạch tiếp theo trong tương lai. Các đại biểu nhất trí rằng dữ liệu chương trình Copernicus rất hữu ích cũng như còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam vì vậy một số nội dung sau đây cần thiết thực hiện: thành lập một mạng lưới người sử dụng dữ liệu chương trình Copernicus tại Việt Nam do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam làm đầu mối; các bên cùng đề xuất ý tưởng hợp tác cụ thể cho các đề tài, dự án cũng như các khóa tập huấn chuyên sâu trong tương lai; Viện Khí tượng Phần Lan và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cam kết tiếp tục thức đẩy hợp tác liên quan đến chương trình Copernicus tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một số hình ảnh của hội thảo:
Tại Hà Nội:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
![]() |
![]() |
Copernicus là thành phần quan sát Trái đất thuộc Chương trình Vũ trụ của Liên minh Châu Âu (EU), nhằm cung cấp các dịch vụ thông tin lấy từ dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất và dữ liệu thực địa. Các thông tin được cung cấp miễn phí và truy cập mở cho người dùng. Thông tin do dịch vụ Copernicus cung cấp có thể được sử dụng cho nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường biển, quản lý và quy hoạch vùng và đô thị, giao thông, …Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát triển dòng vệ tinh Sentinel để đáp ứng nhu cầu của các dịch vụ Copernicus. Kể từ khi phóng vệ tinh Sentinel-1A vào năm 2014, Liên minh Châu Âu đã đề ra quy trình đưa gần 20 vệ tinh nữa lên quỹ đạo trước năm 2030. Hiện tại, ba chùm vệ tinh Sentienl-1, Sentinel-2, Sentinel-3 đang ở trên quỹ đạo, cùng với vệ tinh Sentinel-5P cung cấp dữ liệu kịp thời nên người dùng trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận cho các ứng dụng liên quan đến các mảng quản lý đất đai, môi trường biển, khí quyển, ứng phó khẩn cấp, an ninh và biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận hợp tác khung về thu hút người dùng Copernicus (Framework Partnership Agreement on Copernicus User Uptake – Copernicus FPCUP) là một phần cụ thể trong Chiến lược thu hút người dùng của Ủy ban Châu Âu nhằm thiết lập Thỏa thuận đối tác khung (FPA) để thu hút người dùng ở các Quốc gia thành viên. Một hợp tác bao gồm 50 đối tác từ 23 quốc gia châu Âu được thực hiện khoảng 160 dự án. Các dự án này bao gồm các hoạt động thu hút người dùng trong nước và quốc tế cũng như các giải pháp kinh doanh và các sản phẩm/ứng dụng đổi mới. |