Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam gặp mặt Báo chi cuối năm

Ngày 9/1/2019 tại Hòa Lạc, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức buổi gặp mặt Báo chí cuối năm nhằm mục đích thông tin thêm về kế hoạch khai trương, vận hành Đài thiên văn Hòa Lạc và kế hoạch phóng vệ tinh MicroDragon vào ngày 17/1/2019 tại Nhật Bản.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn và đại diện hơn 30 Cơ quan báo chí.

Ông Vũ Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phát biểu cảm ơn báo chí đã đồng hành với VNSC trong các hoạt động của Trung tâm.

Phát buổi tại buổi lễ, ông Vũ Việt Phương – Phó Tổng Giám đốc VNSC đã bày tỏ sự cảm ơn đối với các cơ quan báo chí đã sát cánh trong việc tuyên truyền các thông tin về ngành khoa học công nghệ vũ trụ nói chung và Trung tâm Vũ trụ nói riêng. Đồng thời, bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Báo chí trong các hoạt động tiếp theo của Trung tâm.

Cũng tại buổi lễ, TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế Hệ thống Không gian, VNSC đã cung cấp thêm các thông tin liên quan đến việc phóng vệ tinh MicroDragon vào ngày 17/1 tới tại Nhật Ban do các kỹ sư của Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo.

Vệ tinh MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.

MicroDragon được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia từ năm 2013 – 2017.

Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. Khối nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412nm đến 1020nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km.

TS. Phạm Ngọc Điệp (bên phải), Trưởng phòng Vật lý Thiên văn, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam giới thiệu kính thiên văn với các phóng viên báo chí.

Tính đến 9/2017, toàn bộ vệ tinh đã được lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm đúng yêu của JAXA và sẵn sàng phóng. Sau đó vệ tinh được lưu trữ và bảo dưỡng định kỳ tại phòng sạch của Đại học Tokyo. Hiện vệ tinh MicroDragon đã được chuyển cho Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chờ phóng.

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, các bước tiếp theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo nhân lực, tham gia vận hành vệ tinh tại Nhật Bản: đào tạo cán bộ của TTVTVN vận hành, điều khiển và thu và xử lý tín hiệu của vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo. Thực hành cân chỉnh, phân tích và xử lý ảnh vệ tinh MicroDragon sau phóng. Thời gian thực hiện dự kiến là 5 ngày trước phóng và 1 tuần tính từ thời điểm phóng vệ tinh.

Tiếp nối vệ tinh MicroDragon, vệ tinh NanoDragon đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC, có trọng lượng dưới 10kg. NanoDragon có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020. Trước đó vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.

Chụp ảnh kỷ niệm tại Đài thiên văn Hòa Lạc.

Liên quan đến kế hoạch khai trương và vận hành Đài thiên văn Hòa Lạc, TS Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Vật lý Thiên văn đã cung cấp thêm một số thông tin cụ thể, chi tiết.

Cụ thể, TS Điệp cho biết, hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang tiến hành các thủ tục xin cơ chế thu chi tài chính riêng cho công trình Đài thiên văn tại Nha Trang và Hoà Lạc. Tuy nhiên hoạt động của Đài thiên văn hướng đến mục tiêu phổ biến kiến thức cộng đồng về thiên văn học, về vũ trụ, trở thành nơi giao lưu giữa các nhà thiên văn trẻ, thiên văn nghiệp dư của Việt Nam chứ không hướng đến mục tiêu thương mại. Cơ chế thu chi tài chính sẽ giúp công trình Đài thiên văn có thể dùng nguồn kinh phí thu được từ người tham quan để chi trả cho hoạt động vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm của công trình và trang thiết bị.

Toàn cảnh Đài thiên văn Hòa Lạc.

Trước mắt Trung tâm đang xin cơ chế thu chi tài chính cho Đài thiên văn Nha Trang tại Bộ Tài chính và sẽ tiến hành tiếp với Đài thiên văn Hoà Lạc sau khi hoàn thành nốt thủ tục để đưa vào sử dụng chính thức. Dự kiến, Đài thiên văn Hòa Lạc sẽ đi khai trương vào quý II/2019.

Chia sẻ