Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng Triển lãm Khoa học và Công nghệ của Viện Hàn lâm KHCNVN

Trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 49 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm), trong hai ngày 15-16/05/2024, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm đã tham gia Triển lãm thành tựu KHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Gian hàng Triển lãm của Viện Hàn lâm đã vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm quan gian hàng Triển lãm Khoa học và Công nghệ của Viện Hàn lâm

Với vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cả nước, tại gian hàng Triển lãm, Viện Hàn lâm đã giới thiệu một số các sản phẩm KHCN nổi bật ở các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ phun phủ kim loại có tính ứng dụng khoa học thực tiễn cao. Gian trưng bày của Viện Hàn lâm đã trở thành điểm thu hút đông đảo sự quan tâm của các đại biểu với các sản phẩm mang đậm “made in Việt Nam”.

Một số sản phẩm nổi bật trưng bày tại sự kiện có thể kể đến như:

Sản phẩm công nghệ các lớp phủ kim loại của nhóm đề tài Viện Kỹ thuật nhiệt đới do TS. Lý Quốc Cường chủ trì. Công nghệ phun phủ kim loại rất thích hợp để áp dụng phục hồi các cho tiết máy công nghiệp bị mài mòn như: cổ trục roto động cơ, cổ trục máy nén khí, cổ trục quạt; các ổ đỡ vòng bi như: nắp bích động cơ, gối trục; gối babit (vật liệu babit B83- B89). Vật liệu phủ là thép Cr, hợp kim CrB, các bít Cr, các bít Nb; các bít Vonfram; NiCr, độ cứng từ 38 – 67 HRC, độ bám dính cao. Đây là một giải pháp phục hồi mài mòn đảm bảo chất lượng, an toàn, kinh tế. Vì chỉ cần một lượng vật liệu nhỏ để bù đắp lại phần bị mòn của chi tiết máy mà ta đã có được một sản phẩm gần như nguyên bản 100%. Ưu điểm của công nghệ gồm: Do công nghệ phun phủ nhiệt dùng nguồn nhiệt gián tiếp với nền chi tiết nên không làm cong vênh, biến dạng chi tiết (khống chế nhiệt độ sản phẩm không quá 100oC); Chất lượng sản phẩm đảm bảo: Do dùng các vật liệu phun có độ bền, cũng như độ cứng cao, khả năng bám dính tốt với nền chi tiết; Giá thành rẻ: Do chỉ cần một lượng vật liệu nhỏ là có thể phục hồi được vị trí bị mòn, cho chúng ta sản phẩm phục hồi gần như mới (chất lượng bề mặt tốt hơn sản phẩm mới, do vật liệu phủ là các hợp kim như Cr, CrB, NiCr…).

Sản phẩm công nghệ các lớp phủ kim loại của nhóm đề tài Viện Kỹ thuật nhiệt đới

Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải công nghiệp là một sản phẩm công nghệ thuộc đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk”, mã số: TN18/C07, thời gian thực hiện 2018 – 2020 thuộc Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”. Đề tài do PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường làm chủ nhiệm. Mô hình đề cập đến những công nghệ quản lý và xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn và tạo ra các sản phẩm có giá trị từ chất thải. Kết quả nghiên cứu thu được các tiêu chí về xanh hóa trong sản xuất, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững.

Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải

Vệ tinh Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên quỹ đạo. Vệ tinh được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.

Vệ tinh NanoDragon có kích thước 10 x 10 x 34,05 cm, khối lượng 10kg cũng được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.

Vệ tinh MicroDragon có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng 50kg. Đây là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”. Vệ tinh được phát triển bởi 36 học viên là các cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại 5 trường Đại học Nhật Bản.

Các vệ tinh được trưng bày tại Triển lãm

Các sản phẩm khoa học tại Triển lãm thể hiện tính sáng tạo của các nhà khoa học cũng như chủ trương của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN nỗ lực thúc đẩy phát triển các kết quả nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, phát triển công nghệ phục vụ đời sống con người.

 

Chụp ảnh lưu niệm

Minh Tâm

Nguồn: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-quan-gian-hang-trien-lam-khoa-hoc-va-cong-nghe-cua-vien-han-lam-khcnvn-120071-463.html

Chia sẻ