Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

“Rồng Việt Nam” bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới

Vệ tinh Micro Dragon do Trung tâm vũ trụ Việt Nam chủ trì nghiên cứu, phát triển đã được phóng thành công lên không gian, bước đầu mang lại những hình ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ.

Vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam được phóng lên từ tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản và đã tách thành công khỏi tên lửa. Ảnh: TTXVN phát 

Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo công nghệ Vệ tinh và công nghệ Vũ trụ ở Việt Nam.

Đây là đơn vị chủ trì nghiên cứu, phát triển vệ tinh Micro Dragon, được phóng lên không gian thành công tại Nhật Bản ngày 18/1/2019, bước đầu mang lại những hình ảnh đầu tiên theo dõi chất lượng nước biển ven bờ.

Với thành công này, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là một trong 12 tập thể xuất sắc được vinh danh trong Chương trình “Vinh Quang Việt Nam – Thi đua làm theo lời Bác” năm 2019 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

* Bước tiến quan trọng trong công nghệ vũ trụ 

Ngày 18/1/2019, vệ tinh Micro Dragon đã được phóng thành công lên bầu trời. Đây là sản phẩm do 36 Thạc sĩ công nghệ vũ trụ trẻ của Việt Nam thực hành chế tạo thử nghiệm tại Nhật Bản.

Sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện.

Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Chị Ngô Thị Hoài, Chuyên viên Phòng quản lý tổng hợp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, người trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế tạo vệ tinh Micro Dragon cho biết: Quá trình thiết kế vệ tinh gặp nhiều khó khăn khi 36 kỹ sư trẻ tham gia học tập ở 5 trường Đại học tại Nhật Bản.

Các thành viên phải dành thời gian thảo luận trực tuyến qua internet để bổ sung kiến thức do chuyên ngành không phải công nghệ vệ tinh. “Tôi phải đọc nhiều tài liệu hơn, nhiều thuật ngữ mới để hiểu, hỏi chuyên gia, các giáo sư để hiểu cặn kẽ.

Làm việc với các bạn trẻ hơn mình nhiều, tôi thấy cần phải cố gắng để cùng mọi người vượt qua thử thách và phát triển vệ tinh”, chị Ngô Thu Hoài chia sẻ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các kỹ sư tham gia nghiên cứu, chế tạo đã nỗ lực để hoàn thiện vệ tinh MicroDragon với nhiệm vụ chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Theo ông Ngô Thành Công, chuyên viên Phòng thiết kế hệ thống không gian, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, mặc dù đây là công vụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro, nhưng khi vệ tinh được phóng thành công và cho những hình ảnh đầu tiên về trạm mặt đất khiến tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu thực sự xúc động.

“Giờ phút bắt tín hiệu vệ tinh vô cùng hồi hộp. Ngay thời điểm vệ tinh bay qua trạm mặt đất ở Nhật lần đầu tiên đã thu được tín hiệu và điều khiển từ quỹ đạo, thu được những hình ảnh đầu tiên, đó là giây phút hạnh phúc nhất”- ông Ngô Thành Công cho biết.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, Trung tâm được thành lập năm 2011 với tên gọi Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, năm 2017 đổi tên thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với mục tiêu đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo Công nghệ Vũ trụ, đặc biệt là Công nghệ Vệ tinh góp phần nâng cao giá trị cuộc sống người dân Việt Nam và phục vụ Tổ quốc.

Những năm qua, Trung tâm đã luôn nỗ lực thu hút nhân tài, những kỹ sư trẻ với đam mê nghiên cứu về vũ trụ và thực hiện các dự án thiết kế nhằm đưa vệ tinh của Việt Nam vào không gian.

Với việc phóng thành công vệ tinh Micro Dragon, mặc dù là vệ tinh để đào tạo với giá trị thực tế mang lại cho cộng đồng không nhiều như vệ tinh thương mại, nhưng đây là sự nỗ lực sáng tạo của đội ngũ kỹ sư trẻ Việt Nam trong quá trình vừa học, vừa làm tại Nhật Bản.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đại học nhằm lan tỏa đam mê nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ cho các bạn sinh viên.

Trong lần gặp mặt nhóm kỹ sư, các nhà khoa học trẻ, những người đã chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công của bước đầu của Trung tâm vũ trụ Việt Nam và cho rằng, Việt Nam cần phát triển công nghệ vũ trụ, trước hết là phóng những vệ tinh phục vụ cho quốc kế dân sinh, cho thương mại…

Theo Thủ tướng, các bạn trẻ chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon đã minh chứng cho việc tiếp bước truyền thống của người Việt Nam, không chỉ trong khám phá các vùng đất mới mà còn khám phá, khẳng định chủ quyền trên không gian, khẳng định năng lực nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ của người Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0.

Việc làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất cỡ 50 kg đã giúp Việt Nam sánh vai cùng các nước hàng đầu ASEAN về khả năng tự chế tạo vệ tinh.

Thủ tướng hy vọng: “Các bạn trẻ hãy tiếp nối tinh thần dám đương đầu với thử thách công nghệ, để góp phần làm cho hình ảnh Rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới”.

*Chính phủ sẽ tạo điều kiện để phát triển công nghệ vũ trụ

Vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam được phóng lên từ tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản và đã tách thành công khỏi tên lửa. Ảnh: TTXVN phát 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 – CEOS Chair 2019, Việt Nam đã ra 2 sáng kiến chính, đó là: Quan sát các-bon, bao gồm các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát trái đất để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả; các quan sát phục vụ Nông nghiệp cụ thể là giám sát lúa.

Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, những ứng dụng này rất thiết thực trong việc đánh giá phát triển nông nghiệp của Việt Nam và sẽ được mở rộng tại các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 32, hai sáng kiến nêu trên của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ từ các tổ chức thành viên Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất 2019 trong việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh; đào tạo nguồn nhân lực; cơ hội tham gia các dự án và các đề tài tiềm năng…

Đồng ý với việc đẩy mạnh phát triển công nghệ vũ trụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và duy trì ngọn lửa đam mê, khát vọng nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học công nghệ vệ tinh, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương về phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam mà điều đầu tiên là có trạm điều khiển, thu nhận, điều khiển vệ tinh.

Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định dự án công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chính sách phù hợp để đào tạo cán bộ khoa học công nghệ vũ trụ cho nước ta để tiến tới những bước tiến tốt hơn, xa hơn trong công nghệ vũ trụ.

Có thể nói, việc phóng thành công vệ tinh Micro Dragon là bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nằm trong top đầu của khu vực về công nghệ vệ tinh.

Đây cũng là động lực cho các kỹ sư trẻ của Việt Nam tiếp tục đam mê nghiên cứu vũ trụ, thực hiện ước mơ vươn tới bầu trời trong tương lai không xa…/.

Đỗ Bình/TTXVN

 

Nguồn: https://bnews.vn/-rong-viet-nam-bay-cao-tren-ban-do-cong-nghe-vu-tru-the-gioi/127387.html

Chia sẻ