Sáng 11/1/2018 tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Đoàn khảo sát METI) đã phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đề xuất kế hoạch phát triển dài hạn cho quan sát Trái đất bằng vệ tinh của Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu, chuyên gia đến từ các Bộ ngành liên quan đến công nghệ vũ trụ như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,..
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006. Nhằm tạo cơ sở tham mưu cho Chính phủ Việt Nam và dựa trên cơ sở hợp tác sâu rộng với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cử Đoàn khảo sát METI thực hiện nghiên cứu khảo sát, đề xuất kế hoạch phát triển tổng thể dài hạn về quan sát trái đất bằng vệ tinh của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2017, Đoàn khảo sát METI đã phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tiến hành khảo sát tại các Bộ ngành, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và các công ty liên quan, với mục đích khuyến nghị và đề xuất với Chính phủ Việt Nam về một lộ trình dài hạn cho hệ thống quan sát trái đất bằng vệ tinh của Việt Nam tới năm 2040.
Trình bày tại Hội thảo, Đoàn khảo sát METI đã khái quát về hiện trạng và đánh giá thực trạng về quan sát trái đất sử dụng vệ tinh ở Việt Nam. Qua khảo sát, phân tích cho thấy dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất đang được sử dụng chủ yếu ở các lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, quản lý tài nguyên đất, phòng chống thảm họa thiên tai .v.v. Tuy nhiên, phần lớn những dữ liệu này đang được sử dụng với độ phân giải trung bình hoặc thấp nên chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.Từ thực tế trên, nhóm đã đưa ra ý tưởng về lộ trình phát triển và ứng dụng vệ tinh quan sát Trái đất cho Việt Nam, dựa trên cơ sở hạ tầng đã và đang có. Đồng thời, Đoàn khảo sát cũng phân tích cụ thể những lợi ích khi Việt Nam có vệ tinh riêng đó là: khả năng sẵn sàng (về vùng chụp ảnh), khả năng đáp ứng khi gặp tình huống khẩn cấp, quan sát định kỳ, đóng góp quốc tế, v.v.. Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát METI cũng có những nghiên cứu khác về khả năng kết hợp sử dụng ảnh vệ tinh radar và quang học cho Việt Nam để tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư tại dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Từ những phân tích trên, Đoàn khảo sát METI đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và chế tạo vệ tinh quan sát trái đất, cũng như có chiến lược dài hạn phát triển và ứng dụng vệ tinh quan sát trái đất. Đây là một trong những yếu tố then chốt cho việc hội nhập quốc tế, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia ứng dụng hiệu quả công nghệ quan sát trái đất bằng vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh cộng đồng trong khu vực Đông Nam Á.
Các ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo sẽ được Đoàn khảo sát METI hoàn thiện trong báo cáo cuối cùng và trình các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam để góp phần xây dựng đề xuất chiến lược phát triển dài hạn cho khoa học và công nghệ vũ trụ của Việt Nam trong tương lai ./.