Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Khám phá vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ mặt trời

Nhân dịp giải thưởng Nobel về Vật lý năm 2019 được trao cho các nhà thiên văn – vũ trụ học; ngày 19/6/2020, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Vật lý và Hội Vật lý Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ về quá trình khám phá các hành tinh mới ngoài hệ mặt trời, vũ trụ học và vật lý thiên văn”.

Tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tổng kết những thành tựu của thiên văn học và vật lý thiên văn, một trong những ngành khoa học ra đời sớm nhất, nêu lên những dấu hiệu cho thấy vật lý thiên văn đang trong một giai đoạn phát triển sôi động, “kỷ nguyên vàng” của ngành này.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Ngọc Điệp cũng trình bày về các vấn đề liên quan đến câu hỏi mở lớn nhất chưa có lời giải đáp của vật lý thiên văn nói riêng, cũng như vật lý nói chung: chênh lệch giữa khối lượng quan sát được và khối lượng gây ra chuyển động của các vì sao trong các thiên hà; nguồn năng lượng đầy bí ẩn chứa đầy và chiếm phần lớn mật độ năng lượng của vũ trụ, một kết quả suy ra từ sự thăng giáng nhiệt độ của bức xạ phông nền vũ trụ và sự giãn nở của vũ trụ -năng lượng tối; giai đoạn giãn nở rất nhanh của Vũ trụ xảy ra ngay sau Big Bang và sự cần thiết của một lý thuyết vật lý mới thay thế cho thuyết hấp dẫn và thuyết lượng tử để giải thích cho những vấn đề vật lý ở vùng năng lượng siêu cao và khoảng cách cực ngắn như giai đoạn đầu của Vũ trụ.

PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp trình bày tại hội thảo.

Liên quan đến nội dung “Tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt trời”, PGS.TS Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý đã trình bày về lịch sử quá trình tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt trời, các nguyên lý vật lý và phương pháp được sử dụng hiện nay như hiệu ứng Doppler, hiện tượng thiên thực, hiệu ứng vi thấu kính hấp dẫn. Các xu hướng nghiên cứu trong tương lai cũng được đề cập, bao gồm tìm kiếm các ngoại hành tinh tương tự Trái đất, tìm kiếm chỉ dấu của hoạt động sinh học trên ngoại hành tinh.

Trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, việc phát hiện và quan sát các hành tinh ngoài hệ Mặt trời – nơi tồn tại các điều kiện phù hợp cho sự sống hình thành và phát triển – là bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Đó là lý do con người phải tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, tìm hiểu các phân tử liên quan đến quá trình sống…” PGS.TS Đinh Văn Trung cung cấp thông tin tại Hội thảo.

Khám phá những hành tinh ngoài hệ Mặt trời luôn thu hút các nhà khoa hoc.

Nằm trong chuỗi hội thảo phổ biến kiến thức về vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ Mặt trời được tổ chức nhân sự kiện nói trên, TS Đỗ Quốc Tuấn, trường đại học Phenikaa đã nói về lịch sử nhận thức của con người về vũ trụ, tổng kết những kết quả nghiên cứu quan trọng con người đã và đang đạt được trong kỷ nguyên vàng của vũ trụ học, thành tựu mà loài người đã đạt được trong thế kỷ XX.

Giải Nobel Vật lý năm 2019 trao cho các nhà khoa học để vinh danh James Peebles cho những khám phá lý thuyết đặt nền móng cho vũ trụ học; Michel Mayor và Didier Queloz cho khám phá một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời (còn gọi là ngoại hành tinh) chuyển động quanh một ngôi sao giống như Mặt trời.

Nobel Vật lý 2019 vinh danh khám phá vũ trụ và hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời

       Ông James Peebles được vinh danh nhờ “những phát hiện mang tính lý thuyết trong vũ trụ học vật lý”. Hai nhà khoa học Mayor và Queloz nhận Giải Nobel Vật lý nhờ “khám phá ra một ngoại hành tinh chuyển động quanh một ngôi sao giống Mặt trời”. Công trình nghiên cứu của chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2019 đã giúp nhân loại hiểu rõ hơn về lịch sử và cấu trúc của vũ trụ, đồng thời đây là lần đầu tiên con người phát hiện được một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời có quĩ đạo quanh một ngôi sao giống Mặt trời”.

Chia sẻ