Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Sắp diễn ra Hội thảo ITCA 2018 về thiên văn học

Nhằm tăng cường phổ biến kiến thức về thiên văn học và vật lý thiên văn, Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan (NARIT) và Trung tâm UNESCO Đào tạo Thiên văn học Quốc tế (ITCA) tổ chức Hội thảo ITCA 2018 về Thiên văn học và Vật lí Thiên văn. Hội thảo được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 7 năm 2018 tại Đài Thiên văn Nha Trang và Đại học Nha Trang, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mục đích của Hội thảo nhằm trang bị cho các giáo viên, giảng viên trẻ từ nước Đông Nam Á và khu vực lân cận những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho công tác giảng dạy thiên văn học và vật lí thiên văn; qua đó góp phần thúc đẩy công tác giáo dục thiên văn học.

Hội thảo quy tụ sự tham gia của hơn 70 đại biểu tham gia đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Ấn Độ, Nepal. Chương trình Hội thảo bao gồm nhiều bài giảng về những chủ đề nóng của vật lý thiên văn, vũ trụ học, những thiết bị và kĩ thuật sử dụng trong quan sát thiên văn học. Đặc biệt, Hội thảo có sự góp mặt của nhiều giảng viên uy tín trong lĩnh vực vật lí thiên văn của Việt Nam và Thái Lan như: GS. Pierre Darriulat với bài giảng về Những hướng nghiên cứu mới của Khoa học đương đại,  GS. Đào Tiến Khoa với bài giảng về Nguồn gốc Nguyên tố trong Vũ trụ, Sao Neutron và những Vụ nổ Kilonova, TS. Phạm Tuấn Anh về Thiên hà, TS. Suwicha Wannawichian về Vũ trụ học và TS. Puji Irawati về Kĩ thuật quan sát thiên văn: Trắc quang, Quang phổ, Phân cực và Giao thoa.

Bên cạnh những bài giảng, một phần lớn thời lượng của Hội thảo sẽ được dành để trang bị thêm kiến thức, kĩ năng và công cụ cho người tham gia với bài thực hành mô phỏng vũ trụ học, mô phỏng bầu trời trong nhà chiếu hình vũ trụ và quan sát thực tế với kính thiên văn hiện đại của Đài thiên văn Nha Trang, học về một số phần mềm sử dụng trong giảng dạy thiên văn. Một thời lượng phù hợp của Hội thảo cũng dành cho phần thảo luận về kinh nghiệm phát triển giảng dạy thiên văn học.

Tham gia hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các đại biểu gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với nhau, học tập và trao đổi với các giảng viên giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy thiên văn học và vật lí thiên văn. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu tiếp cận với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại sử dụng cho hoạt động thực hành trong thiên văn, từ đó nâng cao hiểu biết, tăng cường kĩ năng cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Thông tin chi tiết có thể tìm thấy trên trang web của Hội thảo: http://www.narit.or.th/en/index.php/itca

Thái Trần

Chia sẻ