Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Hội thảo đào tạo Giảng viên GLOBE 2018

Ngày 5/5/2018 tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã diễn ra Hội thảo Đào tạo Chương trình học tập và quan sát Trái đất vì lợi ích môi trường toàn cầu GLOBE 2018.

PGS.TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, TS Tony P.Murphy, Giám đốc Văn phòng thực hiện GLOBE (GIO), đại diện lãnh đạo và giáo viên đến từ các trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THCS Thực Nghiệm và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cùng đại diện một số cơ quan ban ngành có liên quan đã tham dự Hội thảo.

Globe 2018

Toàn cảnh Hội thảo đào tạo Giảng viên GLOBE 2018

Đây là lần thứ 2 Chương trình GLOBE được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tổ chức nhằm tiếp tục trang bị các kiến thức, nâng cao kỹ năng cũng như các phương pháp thực hành 3 chủ đề cơ bản của GLOBE là Khí quyển, Thủy quyển và Đất cũng như cách đăng tải dữ liệu trên trang GLOBE quốc tế cho các giáo viên.

Mở đầu Hội thảo, TS. Tony P.Murphy đã trình bày về chủ đề Đất gồm các nội dung gồm: đo đạc tính chất, độ ẩm và nhiệt độ, sự rắn chắc, kết cấu bề mặt của đất. Trong phần này, TS. Tony P.Murphy cũng hướng dẫn các giáo viên các công việc chuẩn bị cho hoạt động thực địa cũng như cách phân tích đặc tính của đất trong phòng thí nghiệm .v.v.

gv globe

Các giảng viên chính thảo luận trước khi hướng dẫn giáo viên thực hành

Tại chủ đề Khí quyển, TS Desh Bandhu đã trình bày các nội dung gồm: nhiệt độ không khí, cách quan sát mây, quan sát vệt khói trắng của mây và lượng mưa cùng chỉ số pH. Đối với chủ đề Thủy quyển, các nội dung như: nhiệt độ, độ trong của nước, độ pH, tính dẫn điện… cũng đã đươc TS R.K. Ganrg đã trình bày một cách chi tiết thông qua các hình ảnh trực quan, sinh động.

gv globe 1

TS Tony P.Murphy, Giám đốc Văn phòng thực hiện GLOBE hướng dẫn giáo viên tham gia thực hành tại các nội dung chủ đề Đất

Sau mỗi phần trình bày của các giảng viên đều có phần thực hành để các giáo viên tham gia nắm vững không chỉ lý thuyết mà còn có kỹ năng thực tế khi tham gia giảng dạy tại trường.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Anh Tuân đánh giá cao sự phối hợp của Văn phòng thực hiện GLOBE trong việc tổ chức các hoạt động liên quan đến Chương trình. Đồng thời bày tỏ hy vọng các giáo viên tham gia sẽ lĩnh hội được đầy đủ những kiến thức mà các giảng viên chính đem đến trong buổi đào tạo để phục vụ tốt nhất cho hoạt động giảng dạy.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình GLOBE năm 2018, từ ngày 7 – 9/5/208 tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ phối hợp với Văn phòng GLOBE Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức “Hội nghị Điều phối viên Quốc gia Chương trình Globe khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” với sự tham gia của 16 đại diện các nước trong khu vực.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu của các quốc gia thành viên, đồng thời thảo luận về khả năng hợp tác trong khu vực và liên khu vực cũng như cập nhật kiến thức mới để phát triển chương trình GLOBE (Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu) và kế hoạch những năm tiếp theo của khu vực khu vực Châu Á – Thái Bình Dương./.

Chia sẻ