Ngày 21/5/2019, Hội nghị Điều phối viên quốc gia chương trình GLOBE khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã được khai mạc tại Seoul – Hàn Quốc.
Tham gia hội nghị lần này có đại biểu là các điều phối viên quốc gia chương trình GLOBE trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với các đại biểu quốc tế khác như TS. Desh Bandhu – Giám đốc chương trình Globe khu vực, TS. Tony Murphy – Giám đốc Văn phòng triển khai chương trình Globe… TS. Vũ Anh Tuân đại diện cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tham dự chương trình với tư cách là điều phối viên quốc gia của Việt Nam.
Chương trình làm việc 2 ngày của hội nghị tập trung vào các kết quả mà khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được trong năm qua, từ hội nghị lần trước vào tháng 5 năm 2018 tại Hà Nội, và chương trình làm việc trong thời gian tới.
Ảnh: Khai mạc Hội nghị Điều phối viên quốc gia chương trình GLOBE khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Chương trình GLOBE – “Học tập và quan sát toàn cầu mang lại lợi ích về môi trường” (Global Learning and Observations to Benefit the Environment – viết tắt là GLOBE) là chương trình quốc tế về giáo dục và thực hành khoa học về môi trường. GLOBE là sáng kiến kết nối học sinh, giáo viên và cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học để hiểu biết thêm về môi trường của chúng ta thông qua cơ sở dữ liệu và quan sát của học sinh. Các mục tiêu chính của chương trình GLOBE:
- Nâng cao nhận thức về môi trường của mỗi cá nhân trên toàn thế giới;
- Đóng góp vào sự hiểu biết về khoa học trái đất;
- Giúp tất cả học sinh đạt được thành tựu cao hơn trong khoa học và toán học.
Chương trình được thiết kế dành cho học sinh trong độ tuổi từ 5 tuổi tới 18 tuổi trong các trường học trên toàn thế giới thực hiện một chương trình liên tục, đo các thông số có ý nghĩa về mặt khoa học và môi trường. Học sinh tham gia chương trình GLOBE (gọi tắt là “Học sinh GLOBE”) sẽ cập nhật dữ liệu đo của mình vào cơ sở dữ liệu của chương trình GLOBE qua Internet. Sau khi dữ liệu đã được cập nhật lên cơ sở dữ liệu, học sinh GLOBE sẽ nhận được những hình ảnh sinh động mô tả dữ liệu của mình, đồng thời có thể truy cập dữ liệu của tất cả các trường khác đã tham gia chương trình GLOBE, trên toàn thế giới. Dữ liệu được thể hiện phong phú dưới các hình thức: bản đồ, đồ thị theo thời gian và các bảng dữ liệu phù hợp sử dụng trong một chương trình bảng tính khác để phân tích (ví dụ Microsoft Excel). Bên cạnh đó, học sinh GLOBE có thể có được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cộng tác với các nhà khoa học và học sinh GLOBE khác và các cộng đồng trên toàn thế giới trong việc chia sẻ và sử dụng những dữ liệu này phục vụ cho mục đích giáo dục và nghiên cứu.
Ảnh: Hoạt động GLOBE của học sinh tại trường THCS Thực nghiệm năm 2018
Trong năm vừa qua, Việt Nam là một trong những nước đã có hoạt động tích cực trong khuôn khổ chương trình GLOBE. Tính đến năm 2018, chương trình GLOBE Việt Nam đã có 34 trường cùng với 20 tổ chức khác tham gia, trong đó có những trường hoạt động rất tích cực như trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội). Trong khuôn khổ chương trình, tổng cộng 181 giáo viên trên cả nước đã được đào tạo về chương trình GLOBE. Đến nay, hai câu lạc bộ GLOBE đã được thành lập và đang hoạt động ở trường THCS Thực nghiệm và trường THCS Nam từ Liêm. Đặc biệt, trong năm 2018, dưới sự giúp đỡ của chương trình GLOBE khu vực, 6 lớp học về theo dõi muỗi trong phòng chống bệnh ZIKA đã được tổ chức tại Hà Nội, Ba Vì, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh với tổng cộng 196 giáo viên được đào tạo. Các học sinh đã sử dụng các dữ liệu quan sát từ chương trình GLOBE cho một số dự án nghiên cứu khoa học, trong đó có một dự án nghiên cứu đạt giải vàng tại cuộc thi khoa học LAB 2018.
Ảnh: Khóa học quan sát muỗi tại An Giang
Trong thời gian sắp tới, chương trình GLOBE Việt Nam với đối tác là Trung tâm Giáo dục phát triển (CED) tiếp tục có các kế hoạch mở rộng hoạt động ra các trường THCS, THPT trên toàn quốc; duy trì và mở rộng các hoạt động quan sát của học sinh, tập trung vào các quan sát khí quyển và thủy quyển. Chương trình cũng có tham vọng đưa các hoạt động GLOBE trở thành các hoạt động chính thức giúp đỡ học sinh Trung học cơ sở của Việt Nam thực hành nghiên cứu khoa học.
Ảnh: Khóa học GLOBE
Vũ Anh Tuân