Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác công nghệ vũ trụ Việt – Nhật

Từ ngày 31/5 đến 2/6/2025, Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) do Chủ tịch, GS. VS. Châu Văn Minh dẫn đầu, thành viên đoàn bao gồm: PGS. TS. Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc và TS. Lê Xuân Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã có chuyến công tác tại Nhật Bản, góp phần củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) và công nghệ vũ trụ.

Thúc đẩy hợp tác công nghệ vũ trụ với các đối tác chiến lược Nhật Bản

Sáng 2/6, Đoàn làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Chủ tịch Châu Văn Minh đã có cuộc gặp với ông Ibuki Hideaki, Cục trưởng Cục Công nghiệp Sản xuất, cùng các thành viên của METI. Chủ tịch Châu Văn Minh cảm ơn METI đã đồng hành từ nghiên cứu Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc (2008) đến các dự án vệ tinh của Việt Nam. Tiếp theo, Chủ tịch giới thiệu về Đề án cấp Chính phủ “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”, với trọng tâm là phát triển vệ tinh LOTUSat-2, nâng cấp hạ tầng tại Hòa Lạc và TP.HCM. Chủ tịch Châu Văn Minh nhấn mạnh dự án vệ tinh LOTUSat-1 là biểu tượng của quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao giữa hai quốc gia, đồng thời đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để sớm đưa vệ tinh lên quỹ đạo, góp phần nâng cao năng lực quan sát Trái Đất và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng đoàn công tác và đại diện Bộ phận Khoa học công nghệ, Đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với METI – Ảnh: VNSC

Đại diện METI bày tỏ lời cảm ơn Chủ tịch Viện Hàn lâm đã đến thăm và làm việc, đồng thời trân trọng ghi nhận sự thấu hiểu, chia sẻ và tiếp tục tin tưởng lựa chọn công nghệ Nhật Bản từ phía Việt Nam. Đại diện METI khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và JAXA để đẩy nhanh tiến độ phóng vệ tinh LOTUSat-1. Bên cạnh đó, METI bày tỏ mong muốn hợp tác với Viện Hàn lâm để sớm tổ chức các hội thảo và diễn đàn trao đổi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản tiếp cận đối tác Việt Nam, cùng nhau phát triển các dịch vụ và dữ liệu ảnh vệ tinh phục vụ người dùng, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương.

Tiếp đó, tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Đoàn làm việc với ông Hayakawa Yuho, Tổng Giám đốc Bộ phận Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cùng đội ngũ JICA. Chủ tịch Châu Văn Minh nhấn mạnh rằng LOTUSat-1 là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao giữa hai quốc gia, đồng thời đề xuất hai bên phối hợp chặt chẽ để sớm đưa vệ tinh lên quỹ đạo, qua đó nâng cao năng lực quan sát Trái Đất và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Phía JICA bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Viện Hàn lâm đã đến thăm và làm việc, đồng thời trân trọng ghi nhận sự thấu hiểu, chia sẻ và sự tin tưởng dành cho công nghệ Nhật Bản. Ông Hayakawa khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Chính phủ Nhật Bản và JAXA nhằm thúc đẩy tiến độ phóng vệ tinh LOTUSat-1.

Hai bên cũng thống nhất phối hợp đào tạo nâng cao năng lực vận hành và xử lý ảnh vệ tinh trong dự án ODA không hoàn lại, đồng thời đề xuất hợp tác nghiên cứu chung cho Đề án cấp Chính phủ “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng đoàn công tác và đại diện Bộ phận Khoa học công nghệ, Đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với JICA – Ảnh: VNSC

Chiều ngày 2/6, Đoàn làm việc với tập đoàn Sumitomo Corporation và tập đoàn NEC – các nhà thầu chính của dự án LOTUSat-1. Trọng tâm buổi làm việc là Viện Hàn lâm đề nghị các nhà thầu phối hợp chặt chẽ để sớm đưa vệ tinh LOTUSat-1 lên quỹ đạo, góp phần nâng cao năng lực quan sát Trái Đất và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Trước đó, ngày 31/5, Chủ tịch Châu Văn Minh đã tham gia Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trong buổi làm việc với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tại Trung tâm Vũ trụ Tsukuba. JAXA giới thiệu vai trò của công nghệ vũ trụ trong phát triển kinh tế – xã hội, tiềm năng ứng dụng dữ liệu từ vệ tinh ALOS-2 trong quản lý thiên tai, cùng tiến độ hợp tác với Việt Nam. Hai bên nhìn lại hành trình hợp tác bền chặt từ năm 2006, khi JAXA hỗ trợ Việt Nam phóng các vệ tinh nhỏ như PicoDragon (2013), MicroDragon (2019), NanoDragon (2021). Những dự án này đã giúp Việt Nam từng bước tích lũy kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo và vận hành vệ tinh, đồng thời đào tạo hàng chục chuyên gia trẻ thông qua các chương trình hợp tác với các cơ quan nghiên cứu Nhật Bản. Dự án vệ tinh LOTUSat-1 được đánh giá là biểu tượng của quan hệ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao giữa hai quốc gia. Hai bên nhất trí cần phối hợp chặt chẽ để sớm đưa vệ tinh lên quỹ đạo, qua đó góp phần nâng cao năng lực quan sát Trái Đất và hỗ trợ phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời, Chủ tịch JAXA trân trọng ghi nhận sự thấu hiểu, chia sẻ và tiếp tục tin tưởng lựa chọn công nghệ Nhật Bản từ Chính phủ Việt Nam, và cam kết sẽ nỗ lực hết mình để đáp lại sự tin tưởng này bằng việc bảo đảm phóng vệ tinh LOTUSat-1 lên quỹ đạo một cách an toàn, hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2028 giữa Viện Hàn lâm và JAXA cũng được xác định là nền tảng chiến lược, tạo tiền đề cho các hoạt động vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nâng cao năng lực nhân sự và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ không gian.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ những điểm “nghẽn”, khơi thông nguồn lực để thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam xác định KHCN, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số là động lực chính cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó công nghệ vũ trụ là một lĩnh vực chiến lược, vệ tinh là sản phẩm chiến lược của quốc gia.

Phó Thủ tướng cho rằng, để tiếp tục phát huy hiệu quả hợp tác, JAXA cần tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và vệ tinh quan sát Trái Đất, tập trung vào đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, JAXA nên hỗ trợ Viện Hàn lâm thực hiện thành công Đề án cấp Chính phủ “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”, đồng hành nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và ứng phó hiệu quả với các hiện tượng thời tiết cực đoan thông qua sử dụng dữ liệu vệ tinh tiên tiến của Nhật Bản, đặc biệt từ hệ thống radar ALOS-2. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn hợp tác KHCN vũ trụ giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ đạt nhiều bước tiến mới, góp phần thúc đẩy trụ cột KHCN trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Đại diện JAXA trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng đoàn công tác Chính phủ về vệ tinh ALOS-2 – Ảnh: VNSC

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với JAXA – Ảnh: VGP/Thu Sa

Trung tâm Vũ trụ Tsukuba (Tsukuba Space Center – TKSC)

Trung tâm Vũ trụ Tsukuba (TKSC) của JAXA, đặt tại Thành phố Khoa học Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, được thành lập từ năm 1972. Nằm trên khu đất rộng 53 ha, TKSC là cơ sở vận hành hàng đầu với trang thiết bị và cơ sở thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Đây là nơi JAXA thực hiện các hoạt động quan trọng như phát triển và vận hành vệ tinh – “con mắt từ không gian” – cùng phân tích dữ liệu quan sát Trái Đất. TKSC cũng điều hành mô-đun thí nghiệm Kibo trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đào tạo phi hành gia, và thúc đẩy các hoạt động không gian có người lái. Ngoài ra, trung tâm còn phát triển các tên lửa phóng và hệ thống vận chuyển không gian, đồng thời nghiên cứu công nghệ vũ trụ tiên tiến.

Các hoạt động bên lề

Ngày 31/5, Chủ tịch Châu Văn Minh đã tham gia cùng Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trong buổi hội kiến Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita, thảo luận về triển vọng hợp tác kinh tế, giáo dục và văn hóa. Cũng trong ngày, tại Công viên Yoyogi, Tokyo, Phó Thủ tướng tham dự Lễ hội Việt Nam – một sự kiện giao lưu văn hóa sôi động với hơn 100 gian hàng, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia. Tối 31/5, Đoàn tham dự sự kiện kết nối các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản, thiết lập nền tảng chung để tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng mạng lưới KHCN Việt – Nhật.

Cung cấp tin: TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Xử lý tin: Thanh Hà

Nguồn: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chu-tich-vien-han-lam-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-lam-viec-tai-nhat-ban-thuc-%C4%91ay-quan-he-hop-tac-cong-nghe-vu-tru-viet-nhat-140082-403.html

Chia sẻ