Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Vietnam national space center
Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English

Hợp tác giữa TTVTQG và UNISEC – Nhật Bản trong dự án phát triển vệ tinh Microdragon

Trong những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 2016, Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật không gian Nhật Bản – University Space Engineering Consortium UNISEC đã tổ chức một hội thảo ngắn ngày về công nghệ vũ trụ dành cho các sinh viên Việt Nam đến từ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Hội thảo tổ chức tại Đại học Hokkaido được xem như một hoạt động chuẩn bị cho Hội thảo đánh giá sơ bộ các thiết kế quan trọng của dự án vệ tinh MicroDragon. UNISEC là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển vệ tinh cỡ nhỏ hoặc tên lửa hỗn hợp của các trường đại học và cao đẳng. Tháng 4 năm 2002, hai tổ chức của Nhật Bản là Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu vệ tinh (University Satellite Consortium) và Nhóm nghiên cứu tên lửa hỗn hợp (Hybrid Rocket Group) đã sát nhập để có thể hoạt động hiệu quả và bền vững. Chủ tịch hiện nay của UNISEC là Tiến sĩ Tetsuo Yasaka. [1]

Unisec1 Các vệ tinh hoàn thành dưới sự hỗ trợ của UNISEC. (Nguồn UNISEC)

Hội thảo với sự tổ chức của UNISEC có sự tham gia của: – Phó giám đốc Văn phòng Xúc tiến Khoa học và Công nghệ của Chính quyền địa phương Hokkaido (Hokkaido Local Goverment) Ông Takashi Nakasato. – Giáo sư Harunori Nagata đến từ đại học Hokkaido và là một trong những chủ tịch của UNISEC. – Tiến sĩ Hiroshi Koyama đến từ Mitsubishi Electric Co. (MELCO) – Tiến sĩ Tadashi Sasagawa đến từ Tập đoàn Pasco – Giáo sư Shinichi Nakasuka đến từ Đại học Tokyo – Chủ tịch Ban Quan hệ Quốc tế – Hiệp hội các trường đại học không gian Nhật Bản UNISEC – Bà Rei Kawashima – Cùng với các giáo sư, phó giáo sư và sinh viên Việt Nam đến từ năm trường đại học Nhật Bản.

Unisec2 Đại diện UNISEC Bà Rei Kawashima phát biểu trước hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, các bài giảng về công nghệ tên lửa sử dụng nhiên liệu hỗn hợp, công nghệ ứng dụng ảnh viễn thám vệ tinh trong nghiên cứu quan sát Trái Đất, công nghệ định vị vệ tinh siêu chính xác lần lượt được đưa ra với nhiều kiến thức chuyên môn sâu, giàu giá trị nghiên cứu. Bên cạnh đó, đại diện UNISEC bà Rei Kawashima cũng có một bài giới thiệu ngắn về các hoạt động của UNISEC trong hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng chế tạo vệ tinh cỡ nhỏ và tên lửa sử dụng nhiên liệu hỗn hợp. Kết thúc hội thảo là bài thuyết trình đầy cảm hứng về “Thực trạng phát triển và tương lai của các vệ tinh cỡ nhỏ lớp Micro/Nano/Pico” – “Current Status and Future Vision of Micro/Nano/Pico Satellites” của giáo sư Shinichi Nakasuka. Không chỉ đưa đến một bài thuyết trình thông thường, giáo sư Nakasuka đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cũng như những dặn dò đơn giản nhưng sâu sắc đến các kỹ sư trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Unisec3

Giáo sư Nakasuka đưa ra các tính toán về số lượng giờ làm việc cho vệ tinh MicroDragon

Hội thảo Hokkaido do UNISEC tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các kỹ sư, sinh viên từ UNISEC và dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, cũng như có những trao đổi khoa học kĩ thuật chất lượng cao, góp phần trong quá trình đào tạo nhân lực công nghệ vũ trụ quốc gia.

[1] http://www.unisec.jp/about/index-e.html

Ngô Thành Công

Chia sẻ