Ngày 14/6/2017, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) tổ chức buổi hội thảo về Ứng dụng hệ thống DATA CUBE trong giám sát chất lượng nước do các chuyên gia đến từ CSIRO trình bày.
Tham dự Hội thảo có 4 chuyên gia từ CSIRO – Úc, các đại biểu khách mời từ: Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Viễn thám Quốc gia, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Biển, Tổng cục Môi trường, Viện nghiên cứu Hải sản, Viện Địa chất và Địa lý biển, Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam, Viện Địa chất, Đại học Quốc gia Hà nội, I.M System Group. Ngoài ra, hội thảo còn thu hút sự chú ý của một số sinh viên tại các trường Đại học và cán bộ nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Thị Thanh Ngà – Trưởng phòng Phân tích Ảnh vệ tinh và tích hợp thông tin đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của đại diện các đơn vị khách mời, đồng thời trao đổi tóm tắt về mục tiêu và ý nghĩa của hội thảo.
Trong một buổi làm việc, hội thảo thiết kế chương trình gồm 04 bài trình bày của các chuyên gia CSIRO, có đan xen thảo luận giữa các bài trình bày. Các chuyên gia đã giới thiệu về hệ thống Data Cube và các nghiên cứu đã sử dụng hệ thống trong ứng dụng giám sát chất lượng nước tại Úc, đồng thời đưa ra một số tiềm năng cũng như định hướng cho việc triển khai và áp dụng hệ thống tại Việt Nam. Cuối hội thảo là phần thảo luận và thu thập thông tin về nhu cầu cũng như định hướng sử dụng sản phẩm của Hệ thống Data Cube trong nghiên cứu về chất lượng nước ven biển và trên đất liền.
Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác khung giữa VNSC và CSIRO đây là lần thứ 3 các chuyên gia từ CSIRO đã sang và làm việc tại VNSC để chia sẻ về những nghiên cứu mới nhất, hướng đến xây dựng một hệ thống “VIETNAM DATA CUBE”, một nền tảng dữ liệu lớn của các vệ tinh quan sát trái đất để phát triển các ứng dụng liên quan đến: 1) Giám sát lúa; 2) Giám sát rừng; 3) Chất lượng nước. Dự kiến, khi hệ thống này được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện để nhiều người dùng ở các lĩnh vực trên có thể truy cập được vào nguồn dữ liệu lớn một cách nhanh chóng, thuận tiện và không cần đòi hỏi các hiểu biết chuyên sâu về xử lý ảnh.
Lộc Linh