Trong thời gian gần đây, các nước ở khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực công nghệ không gian và có nhiều cơ hội để học tập kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản cũng như các nước Âu Mỹ. Vì vậy, họ rất quan tâm đến một trường đại học đã có nhiều thành tích nghiên cứu vệ tinh (phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ) như Đại học Wakayama (theo ngài Ito Shinichiro).

Ngoài ra, trong năm 2011, Đại học Wakayama đã lắp đặt trong khuôn viên trường một anten parabol có khả năng thu nhận được dữ liệu từ vệ tinh nhân tạo. Thông thường, để lắp đặt được những anten như vậy cần đến sự trợ giúp của các công ty lớn và chi phí rơi vào khoảng 500 triệu yên. Tuy nhiên, trường Wakayama đã cố gắng tiết kiệm chi phí, hợp tác với các công ty vừa và nhỏ, kết quả là chỉ với ngân sách khoảng 30 triệu yên, việc lắp đặt anten đã hoàn tất.
Việt Nam rất quan tâm đến những thành tích trên của trường Wakayama và đã quyết định cử các nhà nghiên cứu sang tham gia khóa đào tạo tại đây. 11 nhà nghiên cứu của Việt Nam sẽ tham gia khóa học tại trường từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 2 năm 2015. Ngoài việc tham quan và tìm hiểu về cơ sở vật chất, các nhà nghiên cứu còn có những buổi gặp mặt và trao đổi ý kiến với các giáo sư trong trường.
Trong ngày 24/2, những thành viên tham gia khóa đào tạo đã được nghe giảng về quá trình chụp ảnh đảo Sakurajima (tình Kagoshima), núi lửa Kilauea (Hawaii) bằng vệ tinh siêu nhỏ Uniform-1 và thu nhận những dữ liệu bằng anten parabol của trường. Người phụ trách anten của công ty địa phương nói rằng: “80% vật liệu để chế tạo anten là do các công ty trong tỉnh thực hiện gia công. Chúng tôi đã chứng minh được rằng một khi đã tập trung được nguồn lực địa phương thì không cần nhờ đến các công ty lớn, chúng tôi vẫn có thể thực hiện được việc chế tạo anten”. Các thành viên tham gia đã tỏ ra rất hào hứng, phấn khới khi nghe buổi nói chuyện.
Một thành viên tham gia khóa đào tạo, hiện đang làm quản lý kỹ thuật tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia của Việt Nam, anh Lê Xuân Huy (33 tuổi) đã nói rằng: “Chúng tôi hiện đang phát triển những hệ thống vệ tinh nhỏ tương tự như đại học Wakayama. Chúng tôi sẽ mang những kiến thức và kinh nghiệm quý báu được học tập tại đây về để có thể tiếp tục phát triển khoa học vũ trụ tại Việt Nam”