Sau 3 ngày làm việc, mới đây Hội thảo “ Hệ thống quan sát Trái đất toàn cầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 (GEOSS – AP 10) đã kết thúc tốt đẹp. Hội thảo do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), Bộ Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và ban thư ký GEO phối hợp tổ chức.
Tại Hội thảo, hơn 200 đại biểu đến từ 27 quốc gia và Việt Nam đã cùng thảo luận về nhu cầu của châu Á, châu Đại Dương về thông tin quan sát sinh vật, quan sát biển, nền tảng dữ liệu, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về công nghệ vũ trụ nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ để giám sát thiên tai, giảm thiểu các tác hại; từ đó xác định phương thức đẩy mạnh công nghệ vũ trụ và ứng dụng nó để giám sát thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Những mục tiêu này cũng được cụ thể hóa tại các buổi thảo luận của các nhóm (Working Groups) với những chủ đề như: Đa dạng sinh học khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Sáng kiến giám sát nông nghiệp toàn cầu.v.v. nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức về mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động quan sát Trái đất.
Thảo luận nhóm diễn ra sôi nổi, hiệu quả tại Hội thảo GEOSS AP -10
Tại Việt Nam, những năm gần đây theo định hướng của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, như tham gia các kỳ họp của GEO, GEOSS, Diễn đàn các Cơ quan Vũ trụ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRSAF), Liên đoàn Vũ trụ quốc tế (AIF); ký kết và triển khai hợp tác với một số cơ quan hàng không vũ trụ của các nước như: Nhật Bản (JAXA), Hàn Quốc (KARI); tổ chức các hội nghị quốc tế về ứng dụng công nghệ vũ trụ vào phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng tránh thiên tai, quản lý môi trường, tài nguyên…
Giám sát thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững và tạo cuộc sống tốt đẹp hơn trong môi trường xanh là được thực hiện nhờ chia sẻ dữ liệu của các vệ tinh quan sát Trái đất.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, sản phẩm vệ tinh quan sát trái đất EO ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt bao gồm: xây dựng các chính sách cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan để; khó khăn trong trong xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tăng cường nguồn nhân lực để sử dụng những sản phẩm này đặc biệt đối với đa dạng sinh học và kiểm soát khi nhà kính và xử lý khí thải các bon.