Tháng Mười tới, vệ tinh MicroDragon của các kỹ sư Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ được hoàn tất, sẵn sàng cho việc phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 bằng tên lửa Epsilon của Nhật Bản.
Là thành quả thực tế từ quá trình học tập, trưởng thành của 36 kỹ sư VNSC tại 5 trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản, MicroDragon thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là một trong những điểm nhấn quan trọng trong lộ trình tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất vào năm 2022 tại Việt Nam…
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC đã dành cho phóng viên VietnamPlus cuộc trò chuyện về lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh mà đơn vị này đang thực hiện.
PGS Phạm Anh Tuấn, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành vệ tinh vũ trụ Việt Nam. (Trung Hiền/Vietnam+)
“Biết khu vực nào bị lấn chiếm”
– Thưa Phó Giáo sư Phạm Anh Tuấn, tại sao chúng ta phải thiết kế, chế tạo vệ tinh trong khi hoàn toàn có thể mua sản phẩm từ nước ngoài như vốn dĩ đã làm với Vinasat 1, Vinasat2…?
PGS Phạm Anh Tuấn: Trước đây, chúng ta đi mua vệ tinh sẽ không tự chủ được để có vệ tinh riêng phục vụ cho Việt Nam sau này. Còn khi chúng ta làm chủ công nghệ, có thể từng bước chế tạo vệ tinh phục vụ mục đích của Việt Nam và cải tiến để tiết kiệm hơn.
Về sự cần thiết thì theo cách tính của Nhật Bản, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP do thiên tai. Thế nhưng, nếu có ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời hơn trong việc cảnh báo chính xác bão, lũ…, giảm thiệt hại lớn cho GDP cũng như tính mạng của người dân…
Hay như chuyện quy hoạch thành phố, giả dụ như chúng ta mỗi tháng cấp cho Hà Nội một ảnh vệ tinh, cơ quan quy hoạch sẽ biết khu vực nào bị lấn chiếm mà không cần phải đợi báo cáo từ cơ sở; hoặc chuyện truy tìm nguồn gốc vệt dầu loang ở trên biển… Đây là lợi ích không thể tính rõ ràng bằng tiền.
Ngoài ra, chúng ta cần có vệ tinh riêng của mình để có thể chủ động về ảnh. Nếu như trước đây, việc mua hay xin ảnh từ nước ngoài mất khoảng 2 ngày, thì khi có vệ tinh chỉ cần 6-12 tiếng là có ảnh riêng.
Bên cạnh đó, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam sẽ kéo các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa. Công nghệ vũ trụ là biểu tượng công nghệ cao của một quốc gia.
Các kỹ sư của VNSC học tập và thực hành chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. (Nguồn: VNSC)
Khởi đầu từ anh hùng Phạm Tuân
– Là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, những ngày đầu chắc có nhiều kỷ niệm…
PGS Phạm Anh Tuấn: Lịch sử hình thành của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam phải kể từ khi Anh hùng Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên du hành trong vũ trụ vào 1980. Tới năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” trong đó có nội dung quan trọng là chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất “Made in Vietnam.”
Năm 2006, qua trao đổi quốc tế, Giáo sư nổi tiếng về Cơ điện tử và Công nghệ vũ trụ người Mỹ Robert H. Bishop có tư vấn về việc không nên làm vệ tinh lớn ngay, mà nên đi từng bước và làm loại vệ tinh 1kg để bắt đầu. Khi đó, ở Việt Nam cũng chưa ai làm vệ tinh…
Tới năm 2007, tôi cùng các đồng nghiệp hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để khởi động dự án vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon. Đây được coi là bước đi đầu tiên cho quá trình phát triển vệ tinh của Việt Nam. Một năm sau, 5 cán bộ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được cử đi đào tạo phát triển vệ tinh tại Trung tâm Vũ trụ Tsukuba thuộc JAXA, Nhật Bản.
Ngày đó điều kiện khó khăn, chúng tôi ở một căn ký túc xá, mượn nồi niêu của bạn để tự nấu ăn, học tập. Giờ đây, bốn người trong số này là cán bộ chủ lực của VNSC.
Tới năm 2011, VNSC được thành lập để quản lý, thực hiện và tiếp nhận dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc. Tới năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do các cán bộ VNSC nghiên cứu, chế tạo đã trở thành vệ tinh “Made in Vietnam” đầu tiên hoạt động thành công trong quỹ đạo không gian.
Trong quá trình làm PicoDragon, chúng tôi đã từng bước suy nghĩ và hình thành lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam theo cách làm từng bước là Pico (1kg), Nano (4 kg), Micro (50 kg) và tới 2022 làm LOTUSat-2 (600 kg) tại Việt Nam.
– Để thực hiện khát vọng này, VNSC đã làm thế nào?
PGS Phạm Anh Tuấn: Ngành vệ tinh vũ trụ tại Việt Nam là rất mới, bởi thế để có nhân lực chúng tôi đã phải tuyển những sinh viên giỏi để cử sang Nhật Bản học bài bản về vệ tinh, từ việc thiết kế chế tạo, lắp ráp thử nghiệm và chuẩn bị phóng, làm phần mềm, truyền thông… Đã có 36 bạn chia làm 3 nhóm sang Nhật học và kết thúc vào tháng 10 năm 2017.
Lộ trình phát triển vệ tinh “Made in Vietnam” của VNSC.
Trong bốn năm, ngoài lý thuyết, các bạn sẽ tham gia vào thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon nặng 50kg. Vệ tinh này dự kiến sẽ hoàn thành việc chế tạo vào tháng Mười tới và phía Nhật đã nhận phóng lên quỹ đạo vào năm 2018.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là hai vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến SAR (radar khẩu độ tổng hợp) có độ phân giải cao và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết là LOTUSat-1 và 2 có khối lượng khoảng 600 kg sẽ được phát triển trong khuôn khổ của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Kế hoạch phát triển của LOTUSat-1 và 2 được chia thành hai giai đoạn, cụ thể: LOTUSat-1 sẽ được sản xuất ở Nhật Bản với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam, LOTUSat-2 sẽ được tích hợp và thử nghiệm tại Trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh (AIT) tại Hòa Lạc, đánh dấu khả năng tự phát triển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất của chúng ta.
LOTUSat 1 sẽ có sự góp mặt của hơn 100 lượt cán bộ của VNSC tham gia làm tại Nhật Bản, sau đó, đội ngũ này sẽ tham gia thiết kế, chế tạo, lắp ráp LOTUSat 2 tại Việt Nam.
Tên lửa Epsilon của Nhật Bản sẽ mang theo vệ tinh MicroDragon của Việt Nam lên quỹ đạo (Ảnh: JAXA)
Quốc gia duy nhất chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Việt Nam
– Trong việc chế tạo vệ tinh, một vấn đề luôn được quan tâm là bảo mật. VNSC tính toán việc này thế nào? Tại sao chúng ta lại chọn Nhật Bản làm nơi để học tập, tiếp nhận công nghệ mà không phải quốc gia khác?
PGS Phạm Anh Tuấn: Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đồng ý chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Việt Nam. Trong khi đó, các nước khác chỉ muốn bán vệ tinh và chỉ chuyển giao cho chúng ta quy trình vận hành và khai thác.
Về bảo mật, khi chế tạo, lắp ráp vệ tinh tại Việt Nam, chúng ta sẽ kiểm soát cơ bản về an ninh và làm chủ công nghệ. Đặc biệt, khi tích hợp thiết bị thì một trong những việc quan trọng chính là phần mềm điều khiển hệ thống. Do đó, kỹ sư của chúng tôi sẽ phải tham gia lập trình các phần mềm để điều khiển vệ tinh đó cũng như truyền tín hiệu về mặt đất.
(Nguồn video: VNSC)
– Như ông vừa chia sẻ, đội ngũ cán bộ đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và là những người có năng lực. VNSC có cách nào để thuyết phục họ cũng như giữ chân họ sau đào tạo?
PGS Phạm Anh Tuấn: Chúng tôi nói với các sinh viên về một tương lai dài hạn cũng như niềm tự hào khi họ sẽ là thế hệ đầu tiên xây dựng ngành vũ trụ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, họ được đào tạo bài bản ở Nhật Bản, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của lĩnh vực công nghệ cao mà không phải cá nhân nào cũng có thể tiếp cập được.
Thực tế, nếu tính cả tiền đi lại, ăn học ở Nhật Bản, làm vệ tinh MicroDragon [coi như một bài tập thực hành – PV] thì chi phí cho mỗi bạn khoảng 6 tỷ đồng. Các bạn tham gia phải cam kết làm làm việc dài hạn cho dự án. Bên cạnh đó, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang chuẩn bị đề xuất một số cơ chế tài chính đặc thù từ Nhà nước để đảm bảo điều kiện làm việc lâu dài cho nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Tôi tin rằng, với những con người đã có cũng như sự đầu tư bài bản từ gốc tới ngọn, chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch, chế tạo thành công vệ tinh nhỏ quan sát trái đất “Made in Vietnam,” phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
– Xin cảm ơn ông!
Vệ tinh MicroDragon. (Nguồn: VNSC)